Giá dầu đã đảo ngược đà giảm trong phiên giao dịch 2/5 khi thị trường dầu diesel diễn biến tích cực, trong khi, tâm lý lo sợ nguồn cung dầu hạn chế liên tục gia tăng trước khả năng Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Giá dầu Brent tương lai tăng 0,44 USD, hay 0,4%, lên 107,58 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai của Mỹ cũng tăng 0,48 USD lên 105,17 USD/thùng.
Giá dầu diesel tương lai tăng 5% lên 4,0172 USD/gallon trong bối cảnh nguồn dầu diesel dự trữ trên toàn cầu đang ở mức thấp.
“Giá dầu diesel tăng mạnh chính là động lực kéo thị trường dầu mỏ lên cao hơn”, theo Jim Ritterbusch, chủ tịch công ty Ritterbusch and Associates, có trụ sở tại Galena, bang Illinois.
Giá dầu Brent và WTI có thời điểm giảm tới hơn 2 USD/thùng trước thông tin EU có thể loại Hungary và Slovakia vào nhóm các thành viên tham gia cấm vận dầu nhập khẩu từ Nga. EU hiện đang trong quá trình hoàn thiện một loạt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
EU đang nghiêng theo hướng cấm dầu nhập khẩu từ Nga trong cuối năm nay, theo một số nhà ngoại giao. Nhiều cuộc họp giữa Ủy ban châu Âu (EC) và các thành viên EU đã được tổ chức trong cuối tuần qua.
Hungary sẽ không bỏ phiếu ủng hộ bất cứ giải pháp nào có thể gây mất an toàn nguồn cung dầu và khí đốt của họ này từ EU, theo Peter Szijjarto, Bộ trưởng bộ Ngoại giao của quốc gia này.
Khoảng một nửa trong số 4,7 triệu thùng dầu xuất khẩu của Nga có đích đến là EU. Trong năm 2020, 1/4 lượng dầu nhập khẩu của EU tới từ Nga.
Hoạt động công nghiệp tại Mỹ tăng chậm nhất 2 năm trong tháng 4 vừa qua, theo kết quả một khảo sát thực hiện bởi Institute for Supply Management (ISM) trong ngày 2/5. Chỉ số ISM giảm xuống ngưỡng 55,4 điểm, vẫn được coi là dấu hiệu tăng trưởng.
“Dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn cho thấy khả năng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất”, theo Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường tại Price Futures Group.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc công bố ngày 30/4 cho thấy hoạt động công nghiệp tại nền kinh tế số 2 thế giới giảm tháng thứ 2 liên tiếp xuống ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 2/2020 vì đại dịch Covid-19.
“Trong hoàn cảnh Trung Quốc đang đối diện với cuộc khủng hoảng dịch bệnh và thị trường bất động sản, những chỉ số tiêu cực như vậy chính là vấn đề lớn đối với các thị trường hàng hóa và nền kinh tế toàn cầu”, Tobin Gorey, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa tại Commonwealth Bank, chia sẻ.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm kiểm soát lạm phát tại Mỹ. Dù có thành công hay không, điều này cũng đã kéo giá vàng xuống thấp hơn ngưỡng hỗ trợ 1.900 USD/ounce.
Giá vàng tiếp tục giảm 2,5% trong phiên giao dịch 2/5 trong bối cảnh Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% sau phiên họp của cơ quan này trong một vài ngày tới. Đây sẽ là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất cao như vậy sau 20 năm, nhằm mục kìm hãm đà tăng nhanh của lạm phát, hiện đang ở ngưỡng cao nhất 4 thập kỷ.
Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex, New York giảm 48,10 USD, xuống 1.863,60 USD/ounce. Trong ngày có thời điểm, giá vàng tụt xuống ngưỡng 1.853,95 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 11/2.
Giá vàng giảm khi đồng USD tăng giá. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 3% lần đầu tiên kể từ năm 2018. Chỉ số Dollar Index, tăng lên mức cao nhất 25 tháng 103,95.
Các phân tích kỹ thuật đối với giá vàng giao ngay cũng cho thấy giá càng có thể sẽ rơi xuống ngưỡng 1.818 USD/ounce trước quyết định tăng lãi suất của Fed.