Kết thúc phiên giao dịch 14/4, giá dầu Brent tăng 2,91 USD (4,6%) lên 66,58 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,97 USD (4,9%) lên 63,15 USD/thùng.
Tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 5,9 triệu thùng trong tuần vừa qua (kết thúc vào ngày 9/4), theo số liệu của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trái ngược hoàn toàn với dự đoán của các nhà phân tích là sẽ giảm 2,9 triệu thùng. Tồn trữ tại các kho ở Bờ Đông nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ còn 8,14 triệu thùng.
Cũng trong tuần qua, tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy lọc dầu Mỹ đã tăng 1% lên 85%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, do các nhà máy lọc dầu trở lại hoạt động bình thường sau đợt nghỉ bảo dưỡng theo mùa và sau khi bị gián đoạn sản xuất do bão tuyết ở Texas. Do đó, cung xăng của Mỹ trong tuần qua – chỉ báo về tiêu thụ nhiên liệu – tăng lên 8,9 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, theo báo cáo của EIA.
Các kho dự trữ xăng ở nước này tuần qua chứa lượng xăng nhiều hơn 309.000 thùng so với tuần trước đó, ít hơn mức dự báo là tăng 786.000 thùng. Tồn trữ các sản phẩm chưng cất giảm 2,1 triệu thùng, cũng trái ngược với dự đoán là tăng 971.000 thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao thuộc Price Futures Group ở Chicago cho biết: "Nhìn chung, đó là một báo cáo rất tích cực", và "Có vẻ như chúng ta thực sự đang quay trở lại với những con số chứng tỏ nhu cầu dầu mỏ vững chắc và điều đó sẽ giúp thị trường dầu tiếp tục tăng hoa."
Trước đó, một báo cáo của IEA dự đoán nhu cầu và nguồn cung dầu toàn cầu sẽ trở nên tái cân bằng trong nửa cuối năm nay, và cho rằng các nhà sản xuất có thể phải bơm thêm 2 triệu thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu.
Chuyên gia John Kilduff thuộc Again Capital ở New York, cho biết: "Báo cáo IEA là một trong những báo cáo lạc quan nhất của họ mà chúng tôi thấy trong thời gian qua vì rất lạc quan về việc nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục hồi phục".
Tương tự, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm 13/4 cũng nâng dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu thêm 70.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng 3, theo đó dự đoán nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 5,95 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Những con số mới này được đưa ra trên cơ sở OPEC cũng nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 từ 5,1% lên 5,4%, với giả định tác động của đại dịch Covid-19 sẽ được kiềm chế cơ bản vào nửa cuối năm nay. Việc OPEC lần này điều chỉnh tăng dự báo về nhu cầu đánh dấu sự thay đổi ngược hẳn đánh giá bi quan của những báo cáo liền trước. Trong báo cáo tháng 3, OPEC đã hạ dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu do các nước khi đó tăng cường phong tỏa.
OPEC cho biết: "Sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, được hỗ trợ đáng kể bởi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có", "Sự phục hồi đang nghiêng nhiều về nửa cuối năm 2021", và "Do tốc độ lây lan và cường độ của đại dịch Covid-19 sẽ giảm dần khi các chương trình tiêm chủng tiếp tục được triển khai, các yêu cầu về giãn cách xã hội và hạn chế đi lại có thể được thu hẹp dần, giúp cho việc di chuyển tăng lên".
Các dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ càng củng cố giá dầu trong thời gian gần đây – đẩy giá tăng liên tiếp từ ngày 9/4 đến nay. Theo đó, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua đã tăng với tốc độ mạnh mẽ, bổ sung động lực hồi phục kinh tế cho quốc gia này và chứng tỏ nhu cầu trên toàn cầu đang tăng lên trong bối cảnh việc tiêm chủng vắc xin có nhiều tiến triển. Nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc cũng đạt mức cao kỷ lục trong vòng 4 năm. Trong đó, riêng nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc đã tăng 21% trong tháng 3/2021, từ mức thấp nhất 1 năm ở tháng 2/2021, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động.
Lạm phát của Mỹ tháng 3/2021 tăng 0,6% so với tháng trước đó và tăng tới 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng 2,6% của CPI là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2018 và cao hơn nhiều so với mức 1,7% của tháng 2/2021.
Tham khảo: Reuters