Theo đó, dầu Brent kỳ hạn tháng 4 tăng 74 US cent, tương đương 0,8%, đạt 89,26 USD/thùng; dầu Brent kỳ hạn tháng 3 – đáo hạn trong phiên vừa qua – tăng 1,18 USD, tương đương 1,3%, lên 91,21 USD. Dầu Tây Texas (Mỹ) tăng 1,33 USD, tương đương 1,5%, đóng cửa ở mức 88,15 USD/thùng. Những mức giá này đều gần sát mức cao nhất kể từ 2014.
Tính chung cả tháng 1, giá dầu WTI đã tăng 18%, trong khi dầu Brent tăng 17%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2021.
Chênh lệch giá dầu Brent giữa kỳ hạn giao sau 1 tháng và 6 tháng vượt 6 USD lần đầu tiên kể từ năm 2013 cho thấy nguồn cung đang rất khan hiếm.
Chênh lệch giá dầu Brent giữa kỳ hạn giao sau 1 tháng và 6 tháng vượt 6 USD lần đầu tiên kể từ năm 2013
Căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông đang làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung và dự trữ dầu và nhiên liệu thương mại ở các nước OECD, vốn đang ở mức thấp nhất trong 7 năm, theo IEA.
Các nhà phân tích và các thương gia đều dự đoán OPEC + (tổ chức gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu) sẽ giữ nguyên chính sách tăng dần sản lượng khi nhóm họp vào thứ Tư (2/2). Nhóm này hàng đã tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, gần đây, OPEC+ đã không đạt mục tiêu tăng sản lượng do một số thành viên của nhóm chật vật với tình trạng công suất bị hạn chế.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao của Rystad Energy cho biết: "Nguồn cung tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng là vô cùng quan trọng đối với thị trường, nhưng nhóm đã không thực hiện đầy đủ mức tăng đó", "Do đó, giải pháp ngắn hạn duy nhất để cân bằng cho thị trường dầu đang mất cân đối cung – cầu là thị trường sẽ cần thêm dầu đến từ OPEC + - được chỉ đạo bởi Saudi Arabia, nhà sản xuất có công suất dự phòng lớn nhất trong khối."
Tuy nhiên, kết quả thăm dò của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 1 đã một lần nữa cho thấy kế hoạch các thành viên thực hiện thỏa thuận tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/tháng khó đạt được đầy đủ do một số nhà sản xuất trong nhóm chật vật để bơm thêm dầu, mặc dù giá dầu đang cao nhất trong vòng 7 năm.
Căng thẳng địa chính trị, liên quan đến các nhà sản xuất dầu lớn là Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã gia tăng trong tháng qua.
Người đứng đầu NATO hôm Chủ nhật (30/1) cho biết châu Âu cần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng vì Anh cảnh báo "rất có khả năng" Nga đang tìm cách tấn công Ukraine.
Thị trường cũng đang cảnh giác với tình hình ở Trung Đông sau khi UAE cho biết họ đã đánh chặn một tên lửa đạn đạo do phiến quân Houthi của Yemen bắn khi quốc gia vùng Vịnh tiếp đón Tổng thống Israel, Isaac Herzog, trong chuyến thăm đầu tiên của ông. Đợt tấn công tên lửa nêu trên làm leo thang căng thẳng trên khắp vùng Vịnh và đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu lửa.
Nguồn cung dầu lửa đang hạn chế do OPEC+ đang không thể đẩy sản lượng lên quá nhanh sau khi cắt giảm mạnh vào năm 2020. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 26/1 cho biết dự trữ dầu thô của nước này tăng 2,4 triệu thùng trong tuần trước; trong khi các nhà phân tích do S&P Global Platts khảo sát dự đoán nguồn cung dầu thô của Mỹ giảm 2,1 triệu thùng. Hiện tại, tăng trưởng của dầu đá phiến tại Mỹ đã chững lại và các nhà phân tích cho biết, sản lượng dầu của Mỹ hằng ngày hiện thấp hơn 1 triệu thùng so với lúc sản lượng cao kỷ lục.
Trong trung hạn, giới phân tích cũng không lạc quan về khả năng nguồn cung dầu tăng, bởi trong thời gian qua khi giá dầu mỏ thấp, các nhà đầu tư đã không đổ tiền vào lĩnh vực khai thác dầu.
Goldman Sachs mới đây nhận định giá dầu Brent có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào quý III/2022, trước đó nhiều chuyên gia phân tích phố Wall đã dự báo về khả năng giá dầu "lên ngưỡng 3 con số".
Tham khảo: Refinitiv