Sau khi tăng gần 5% trong phiên 14/4, giá dầu Brent kết thúc phiên giao dịch 15/4 tiếp tục tăng thêm 36 US cent, tương đương 0,5%, lên 66,94 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 31 US cent (0,5%) lên 63,46 USD/thùng.
Như vậy, liên tiếp hai ngày, cả 2 loại dầu đều kết thúc phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 17/3, và cả 2 loại đều tăng liên tiếp trong 4 phiên – chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 2/2021.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates ở Galena, Illinois, cho biết: "Giá dầu bắt đầu kết nối lại mối quan hệ với các cổ phiếu mạnh với sự hỗ trợ thêm từ đồng USD đang suy yếu".
Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 3 đã hồi phục mạnh hơn mức dự kiến, sau khi người dân Mỹ được tiếp nhận thêm gói cứu trợ mới chống đại dịch Covid-19, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tiếp tục được triển khai tích cực, cho phép nền kinh tế mở cửa rộng rãi hơn.
Các dữ liệu về doanh số bán lẻ và kết quả kinh doanh lạc quan của một số công ty đã đẩy chỉ số S&P 500 và Dow Jones tăng lên mức cao kỷ lục. Nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đồng USD tiếp tục xu hướng giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt, khiến cho giá dầu trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Yếu tố này dự báo sẽ còn tiếp tục có lợi cho giá dầu thô trong thời gian tới.
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen của Rystad Energy cho biết: "Mức tăng giá dầu hôm 14/4 là hơi quá mức, nhưng được xây dựng trên cơ sở có lý, vì một số cơ quan uy tín đều dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm nay, và các kho chứa dầu thô của Mỹ đều giảm mạnh đến mức khiến các nhà giao dịch bất ngờ".
Cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong báo cáo tháng này đều nâng mức dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 lên lần lượt tăng 5,7 triệu thùng/ngày và tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm 2021 so với năm 2020. Tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần vừa qua giảm 5,9 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích là sẽ giảm 2,9 triệu thùng, trong đó dự trữ tại các kho ở Bờ Đông giảm xuống mức thấp kỷ lục do tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất của các nhà máy lọc dầu Mỹ đã hồi phục đến mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, là 85%, theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ.
Chuyên gia Tonhaugen cho biết: "Hôm nay thị trường giữ vững những mức tăng (giá) này, chỉ phần nào giảm nhiệt so với phiên trước".
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Goldman Sachs cho biết OPEC cùng các đồng minh (gọi là OPEC+) tuân thủ cam kết về nguồn cung và kinh tế thế giới hồi phục đã tạo cơ hội cho giá dầu thoát khỏi phạm phi hẹp như thời gian gần đây. Báo cáo của ngân hàng này cho biết: "Chúng tôi lạc quan dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 80 USD/thùng trong quý 3/2021 nhờ nhu cầu hồi phục nhanh và OPEC+ tuân thủ kỷ lục về cung ứng".
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những cơ sở lạc quan kể trên, một số nhà giao dịch năng lượng vẫn cảnh báo đà tăng của giá dầu có thể sẽ bị giới hạn bởi kế hoạch của OPEC trong việc cắt giảm dần mức giảm sản lượng, bắt đầu từ tháng 5 sắp tới.
OPEC + đã đồng ý sẽ bổ sung khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường trong vòng 3 tháng tới (tháng 5 đến tháng 7).
Trong khi đó, Mỹ đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga do cáo buộc Nga có hàngloạt các tội như: Can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ năm 2020, tấn công mạng, chèn ép Ukraine và các hành vi "ác ý" khác.
Tham khảo: Reuters, Tradingeconomics