Mở đầu phiên giao dịch ngày 2/3, giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 6,11%, lên mức 111,38 USD/thùng trong khi dầu WTI cũng tăng 6,13%, cán mức 109,75 USD.
Chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine đã khiến nước này chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt về tài chính, thương mại từ phương Tây. Chính các biện pháp này đang tạo ra sự không chắc chắn về nguồn cung của hàng loạt loại hàng hoá quan trọng, bao gồm kim loại và ngũ cốc.
Tuy nhiên, bất ổn lớn nhất lại đang diễn ra trên các sàn giao dịch dầu thô. Giá dầu Brent lần đầu vượt mức 110 USD kể từ năm 2014, trong khi dầu WTI cũng đã tiến sát mốc đó.
Giá dầu thô Brent trong 1 tháng qua.
Các nhà giao dịch sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc họp của OPEC và các nhà sản xuất lớn khác (bao gồm Nga) vào cuối tuần này, nơi các thành viên sẽ thảo luận việc có nên tăng sản lượng để kìm hãm đà tăng giá dầu hay không.
Trong bài phát biểu mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tham gia một thoả thuận cùng với 30 quốc gia để giải phóng 60 triệu thùng dầu trong một nỗ lực kìm hãm đà tăng giá. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo động thái này chỉ có tác động ngắn hạn. Thực tế, mức giải phóng này ước tính chỉ tương đương mức tiêu thụ dầu trong một ngày trên toàn thế giới.
Giá dầu tăng làm gia tăng lo ngại về lạm phát, tổn hại đến túi tiền của người tiêu dùng trên toàn cầu trong giai đoạn nền kinh tế các nước đang phục hồi sau cú sốc đại dịch.
Trong phiên ngày 1/3, giá dầu thô Brent cũng đã tăng 7,1% trong khi dầu WTI tăng 8%, mức tăng theo phần trăm một ngày cao nhất kể từ tháng 11/2020.
Hiện tại, các biện pháp trừng phạt Nga không nhắm đến lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, thương nhân và các nhà máy lọc dầu ở châu Âu vẫn bày tỏ lo ngại khi giao dịch dầu với Nga và chủ động tìm các nguồn cung khác. Đây là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc giá dầu tăng mạnh những ngày qua.