Chiều 16/7 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 37 cent, tương đương 0,5% lên 73,84 USD/thùng, song tính chung cả tuần này giảm khoảng 2,3%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5.
Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chiều 16/7 cũng tăng 42 cent, tương đương 0,6% lên 72,07 USD/thùng, song tính chung cả tuần giảm 3,4%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4.
Đây là tuần thứ 2 liên tiếp giá dầu giảm.
Giá dầu tuần này giảm mạnh nhất trong vòng nhiều tuần
Nguyên nhân giá dầu giảm chủ yếu bởi Saudi Arabia tuần này đã đạt được sự đồng thuận về sản lượng, mở đường cho việc các nhà sản xuất OPEC + hoàn tất thỏa thuận về mức tăng sản lượng dầu mỏ trong thời gian tới.
Trước đó, OPEC + (nhóm gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ với Nga và các nhà sản xuất khác) đã không đi đến thỏa thuận nào sau mấy phiên họp – hoãn họp do sự bất đồng quan điểm của 2 thành viên chủ chốt là UAE và Saudi Arabia.
Tuy nhiên, ngày 14/7, Saudi Arabia và UAE đã đạt được thỏa hiệp về chính sách sản lượng của OPEC+. Theo đó, hạn ngạch cơ sở của UAE sẽ được nâng từ 3,168 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,65 triệu thùng/ngày. Mức hạn ngạch mới của UAE sẽ được áp dụng từ tháng 5/2022. Theo báo Arab News của Saudi Arabia, UAE hiện vẫn đang thảo luận với Saudi Arabia và các thành viên khác trong OPEC+ để có được các điều khoản tốt hơn vì Abu Dhabi muốn có mức hạn ngạch 3,8 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích của RBC Capital cho biết: "Tất cả các dấu hiệu cho thấy OPEC + đang hướng tới một thỏa thuận thỏa hiệp tiềm năng cho phép UAE đảm bảo một sự điều chỉnh cơ bản", và "các nhà sản xuất khác chắc chắn sẽ tìm kiếm cách xử lý tương tự và có khả năng kéo dài các cuộc thảo luận trước cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 8.
Động thái này được cho là sẽ giúp mở ra một thỏa thuận cung cấp nhiều dầu hơn cho thị trường và kiềm chế đà tăng của giá dầu.
Tuy nhiên, thỏa hiệp giữa Saudi và Arabia chưa được xác nhận bằng văn bản. OPEC+ vẫn cần phải đưa ra quyết định cuối cùng về chính sách sản lượng sau khi các cuộc đàm phán hồi đầu tháng 7/2021 bị hủy do bất đồng giữa Saudi Arabia và UAE.
Sản lượng dầu của OPEC đã tăng trong tháng 6 khi khối này tiếp tục giảm bớt nguồn cung theo thỏa thuận với các đồng minh và khi xuất khẩu của Iran tăng cao. Theo đó, tổ chức 13 thành viên của các nước xuất khẩu dầu mỏ đã bơm khoảng 26,24 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 6, tăng khoảng 740.000 thùng/ngày so với tháng 5/2021. Được biết, sản lượng của OPEC kể từ tháng 6/2020 tháng nào cũng tăng, ngoại trừ tháng 2 năm nay.
Trong khi đó, virus Covid-19 biến thể đang lây lan nhanh ở khắp nơi trên thế giới, làm gia tăng lo ngại về sự ảnh hưởng đối với tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu, nhất là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vì nhiều nơi phải phong tỏa trở lại, làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã vượt qua Ấn Độ về số ca mắc mới hàng ngày trong tuần này, tiếp tục là tâm chấn mới của châu Á trong đại dịch Covid-19, trong khi một số nước láng giềng cũng đang chứng kiến số ca mắc kỷ lục. Melbourne bắt đầu đóng cửa nhanh chóng trở lại sau khi Sydney gia hạn các hạn chế đến cuối tháng Bảy. Quận Los Angeles cũng thông báo với cư dân của mình phải đeo khẩu trang trong nhà - ngay cả khi đã được tiêm phòng - sau khi số ca mắc bệnh tăng đột biến.
Margaret Yang, chiến lược gia của DailyFX ở Singapore, cho biết: "Sự xuất hiện của biến thể Delta trên toàn cầu đang ngày càng đe dọa đến việc tái phong tỏa và hạn chế đi lại, phủ bóng đen lên triển vọng nhu cầu năng lượng". Nếu dịch bệnh diễn biến xấu hơn nữa, trong khi sản lượng của OPEC+ tiếp tục tăng, thị trường dầu mỏ có thể trở lại mất cân bằng.
Đồng USD mạnh lên cũng đang gây áp lực giảm giá dầu, bởi khiến cho dầu thô khi tính bằng các loại tiền khác trở nên kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Chỉ số dollar index tuần này đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 4.
Thị trường dầu mỏ thế giới chuyển hướng biến động thất thường kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau khi tăng mạnh liên tiếp suốt 7 trong số 8 tháng trước đó, khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau đại dịch.
Triển vọng giá dầu tuần tới
Mặc dù giá dầu tuần này, giảm, song triển vọng giá tuần tới không quá u ám. Có nhiều yếu tố đan xen giữa tác động tích cực và tiêu cực lên giá dầu, trong đó số yếu tố tích cực vẫn áp đảo.
Việc Saudi Arabia và UAE đã nhất trí sơ bộ có thể sẽ sớm dẫn tới một thỏa thuận của OPEC+ về lộ trình tiếp theo của việc tăng sản lượng, giúp nguồn cung dầu trên thế giới tiếp tục được kiểm soát.
Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ thế giới dự báo sẽ tiếp tục tăng, mặc dù biến thể Delta đang cản trở xu hướng tăng.
Mới đây, OPEC vẫn lạc quan khi dự báo nhu cầu dầu thế giới trong năm tới sẽ tăng lên khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày, dẫn đầu bởi sự tăng trưởng nhu cầu ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian còn lại của năm 2021, và sang năm 2011, lượng sử dụng dầu sẽ về mức tương tự như trước đại dịch COVID-19.
Trên thực tế, lượng dầu tồn trữ ở Mỹ vẫn đang tiếp tục giảm do nhu cầu gia tăng. Theo đó, tồn trữ dầu thô ở Mỹ đã giảm 8 tuần liên tiếp. Trong tuần kết thúc vào 9/7, tồn trữ giảm 9,7 triệu thùng, cao gần gấp đôi mức dự báo của các nhà phân tích là giảm 4,4 triệu thùng. Các nhà máy lọc dầu Mỹ đã chứng kiến mức tồn trữ dầu thô giảm chuỗi dài nhất kể từ tháng 1 năm 2018, để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Những yếu tố đang cản trở giá dầu tăng là biến thể Delta và đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, một số ngân hàng, bao gồm Goldman Sachs, Citi và UBS, dự kiến nguồn cung dầu vẫn khan hiếm trong những tháng tới. JPM Commodities Research duy trì dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 76 USD/thùng trong quý III/2021 và 80 USD/thùng trong quý IV/2021, mặc dù nhận định nhu cầu dầu toàn cầu trong tháng 7 và tháng 8 sẽ thấp hơn khoảng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg