Lúc 14h44 GMT ngày 12/5 (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent kỳ hạn tham chiếu giá tăng 1,12 USD (1,6%) lên 69,67 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,1 USD (1,7%) lên 66,38 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 29/10/2018 đối với dầu WTI và kể từ 28/5/2019 đối với dầu Brent.
Giá dầu tăng mạnh mặc dù khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dữ liệu cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần qua giảm 0,4 triệu thùng so với tuần trước đó, ít hơn mức dự đoán là giảm 2,8 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho xăng bất ngờ tăng 0,4 triệu thùng, so với dự kiến là giảm 0,6 triệu thùng.
Tình trạng khan hiếm nhiên liệu ở Mỹ đang trở nên nghiêm trọng sau sự cố đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline -ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ - bị tạm đóng cửa đã 6 ngày liên tiếp, trong khi nguồn cung xăng ở các trạm xăng nhiều nơi trên nước Mỹ, từ Florida đến Virginia đều dần cạn kiệt. Colonial, vận chuyển hơn 2,5 triệu thùng mỗi ngày, cho biết họ hy vọng sẽ khởi động lại một phần lớn mạng lưới dẫn dầu vào cuối tuần này.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ từ dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ, với giá tiêu dùng tháng 4 tăng mạnh nhất 12 năm do nhu cầu bùng nổ khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.
Đáng chú ý, lý do chính khiến giá dầu tăng mạnh là bởi những đánh giá tích cực của cả Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), theo đó cả hai cùng đồng thuận dự đoán nhu cầu dầu sẽ đạt trung bình 96,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
IEA trong báo cáo vừa công bố cho biết nhu cầu dầu đã vượt xa nguồn cung, và sự thiếu hụt dự kiến sẽ ngày càng nới rộng, kể cả khi Iran tăng cường xuất khẩu.
"Nguồn cung dầu dự kiến sẽ tăng từ nay đến cuối năm nhưng mức tăng sẽ không tương ứng với dự đoán của chúng tôi về nhu cầu – sẽ mạnh mẽ hơn đáng kể sau quý II/2021", báo cáo của IEA viết. Lý do là bởi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ vượt qua sản lương của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới do sự hồi phục nhanh chóng sau chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn cầu.
Cung dầu toàn cầu
Giá dầu tăng cũng bởi những đánh giá tích cực của OPEC đưa ra hôm 11/5 về triển vọng nhu cầu dầu mỏ sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ tăng trưởng tích cực ở Mỹ vượt xa những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ.
Trong báo cáo lần này, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay sẽ tăng trung bình 5,95 triệu thùng/ngày, tương đương 6,6% - không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4.
Báo cáo của OPEC cũng hạ dự báo về nhu cầu dầu mỏ quý II năm nay (giảm 300.000 thùng/ngày), nhưng nâng mức dự báo về nhu cầu trong quý III thêm 150.000 thùng/ngày, và quý VI thêm 290.000 thùng/ngày.
Mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+
OPEC dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 5,5% năm 2021, so với mức tăng 5,4% của năm 2020, với giả định là tác động từ đại dịch Covid-19 sẽ được "kiềm chế phần lớn" vào nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, những làn sóng nhiễm Covid-19 mới ở Brazil, Thái Lan và thậm chí cả Ấn Độ, nnước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới và cũng là nơi đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh tăng mạnh hàng ngày.
Tham khảo: Refinitiv