Sau nhiều năm tăng giá liên tục, thị trường địa ốc tại Hồng Kông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Để giải quyết tình hình, chính quyền thành phố này đang cân nhắc một biện pháp gây tranh cãi: đánh thuế nhà bỏ trống, theo CNBC.
Hồng Kông từ lâu đã được biết đến là một trong những nơi có giá bất động sản đắt đỏ nhất hành tinh do nguồn cung không đủ, nhu cầu từ Trung Quốc đại lục lớn, hoạt động đầu cơ cũng như nhiều năm duy trì lãi suất thấp.
Việc đánh thuế nhà bỏ trống được xem là cách để gia tăng nguồn cung trên thị trường bằng việc thúc đẩy các nhà phát triển bất động sản "bung hàng" thay vì chờ để giá tăng cao hơn. Biện pháp cũng giúp giải quyết sự chênh lệnh về nhà đất trong xã hội khi mà người có tất cả, người không có gì.
Hồng Kông không phải là nơi đầu tiên thực hiện biện pháp như vậy bởi đã có nhiều nơi như Singapore, Vancouver áp dụng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng biện pháp này không đủ mạnh để giải quyết vấn đề trên thị trường Hồng Kông. Họ cho rằng biện pháp này thiên về chính trị nhiều hơn là bất động sản.
"Chính sách này là một minh chứng cho thấy chính quyền đang cố làm gì đó để giải quyết tình hình nhưng lại không có tác động thực sự", Mathew Wong, giáo sư chính trị của Đại học Hồng Kông, nói với CNBC.
Wong cho rằng tỷ lệ tín nhiệm dành cho người lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam - người mới lên nắm quyền từ 1/7/2017, xuống thấp có thể là một nguyên nhân thông báo về việc đánh thuế trên được đưa ra.
Theo thống kê của Đại học Hồng Kông, tỷ lệ ủng hộ của bà Lam ở mức 54,3% trong tháng 6, giảm từ mức 63,5% sau khi bà lên nắm quyền.
Trong khi đó, các công ty phát triển bất động sản cho biết họ cảm thấy "bối rối" vì các chính sách của chính quyền.
"Việc đánh thuế không thể khiến giá cả ngừng leo thang - đây là kết quả của tình trạng thiếu cung liên tục và thanh khoản dư thừa trong môi trường lãi suất thấp", Hiệp hội Các nhà phát triển Bất động sản Hồng Kông nói trong một thông cáo.
Ngoài ra, đất đai nhiều đồi núi, nhiều người trong số 7,4 triệu dân Hồng Kông đang ngày càng bất lực với thị trường nhà đất đắt đỏ này.
Một khảo sát quan điểm của công chúng được đưa ra vào tháng 5 bởi Tổ chức phi lợi nhuận Our Hong Kong Foundation chỉ ra rằng 77,7% người tham gia bất mãn với điều kiện chật chội.
Denis Ma, giám đốc nghiên cứu của hãng quản lý đầu tư và bất động sản JLL cho biết bộ phận người trẻ tại Hồng Kông tỏ rất bức xúc về tình trạng này.
Một căn hộ rộng khoảng hơn 18m2 có thể được bán với giá tới 3 triệu USD và họ "cảm thấy không thể leo lên được nấc thang nhà cửa", Ma nói.
Để tăng thêm nguồn cung, Hồng Kông đã phải cải tạo và giải phóng đất nông nghiệp. Thậm chí, mới đây thành phố này còn đóng cửa một sân golf để xây 13.200 căn hộ mới. Một trong những lý do khiến các nhà phân tích cho rằng việc đánh thuế nhà trống sẽ không có tác động lớn bởi tính đến cuối năm 2017, Hồng Kông chỉ có khoảng 9.000 căn hộ mới nhưng bỏ trống. Con số này có sẽ cao hơn nhiều nếu tính đến những căn hộ bỏ trống đã ra mắt thị trường được 2 - 3 năm.
Các nhà phân tích cho rằng biện pháp này có thể mang lại tác động lớn hơn và trong dài hạn hơn nếu áp thuế cho những căn hộ đã qua sử dụng nhưng bị bỏ trống - ước tính có thể lên đến 30.000 căn.
Một biện pháp dài hạn hơn là tăng lãi suất - động thái có thể giúp nhanh chóng hạ nhiệt thị trường.