Anh Hà Ngọc Long, chủ một quán cà phê trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang lo lắng, tính toán cắt giảm chi phí khi điện lại tăng giá.
Theo anh Long, mỗi tháng quán cà phê của anh dùng khoảng gần 5 triệu đồng tiền điện. Với việc giá điện tăng, nguồn tiền phải chi này sẽ đội lên đáng kể, kéo theo chi phí vận hành quán cũng tăng theo.
"Mỗi tháng, quán của tôi mất khoảng 40 triệu đồng chi phí gồm tiền thuê mặt bằng, điện nước, trả lương nhân viên. Tôi đã phải rất vất vả để xoay xở trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại. Với mức chi đó, số tiền lãi mỗi tháng đã rất ít, gần như chỉ đủ để duy trì hoạt động. Nay tiền điện lại tăng, chắc chắn sẽ khiến hóa đơn điện hằng tháng tăng lên, chưa kể đã thành thông lệ, cứ mỗi khi giá điện hay giá xăng tăng thì các nguyên liệu đầu vào cũng lập tức tăng theo. Như vậy, chi phí vận hành quán sẽ tốn kém hơn trước, nếu chúng tôi không điều chỉnh giá bán thì khó cầm cự, còn nếu điều chỉnh thì lại sợ mất khách, việc nào cũng khó", anh Long lo lắng nói.
Giống anh Long, nhiều người dân khác cũng đang thấp thỏm e ngại giá cả hàng hóa sẽ "tát nước theo mưa", tăng theo giá điện . Điều này sẽ làm chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn vốn đã đắt đỏ càng đắt đỏ thêm.
Chị Vũ Thị Đào (quê Hòa Bình) làm nghề nấu cơm thuê ở Hà Nội cho biết, chị từ quê lên thuê trọ cùng con gái đang học đại học. Với mức thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, chị Đào chi 2 triệu thuê phòng trọ, khoảng 1 triệu tiền điện nước. Số tiền còn lại chị phải vô cùng chắt bóp mới đủ cho 2 mẹ con sinh hoạt.
"Nay giá điện tăng, rồi chắc chắn giá các mặt hàng thiết yếu ngoài chợ cũng sẽ tăng theo, đâu đâu cũng sẽ viện lý do giá cả đắt đỏ là do giá điện tăng. Cuối cùng thì người tiêu dùng phải gánh chịu, đúng là để trụ lại được Hà Nội ngày càng khó", chị Đào than.
Chị Đào dẫn chứng, khi giá điện tăng, một bát phở cũng có thể đắt lên vì chi phí vận hành quán tăng hơn so với trước. Hay như các mặt hàng được sản xuất nhờ điện cũng khó tránh khỏi xu thế tăng giá. Những tháng cuối năm và giáp Tết, theo chị Đào vốn là thời điểm rất "nhạy cảm", giá cả dễ tăng rất mạnh. Nhưng nay việc giá điện tăng rất có thể là cái cớ để giá hàng tiêu dùng tăng sớm, dù chưa đến Tết.
"Nếu điều này diễn ra thì từ giờ đến Tết, rất có thể hàng hóa thiết yếu sẽ hai lần lập mặt bằng mới. Một là sau khi giá điện tăng, hai là dịp giáp Tết. Tôi thường chỉ thấy giá cả tăng rất nhanh và giảm nhỏ giọt chứ ít khi thấy giảm mạnh", chị Đào nêu ý kiến.
Chị cũng cho biết thêm, cơ sở nấu ăn của chị đã phải lên phương án tiết kiệm chi phí, điều chỉnh suất ăn để nếu giá nguyên liệu đầu vào có tăng thì cũng không quá lỗ: "Nếu không chủ động tính toán từ bây giờ thì có khi trở tay không kịp".
Tương tự, ông Nguyễn Văn Vinh, chủ một quán phở tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho biết, ông đang tính lại cơ cấu đầu vào để tăng giá phở hoặc giảm bớt khẩu phần nếu vẫn muốn giữ nguyên giá cũ.
"Hiện nay, việc nấu phở đều dùng nồi điện, tiêu thụđiện cả ngày với công suất lớn, chưa kể máy lạnh, quạt, điện phải bật cả ngày để phục vụ khách. Tôi còn lo giá thực phẩm tăng cao, nếu không điều chỉnh sẽ không thể có lãi. Mỗi lần giá điện tăng là những tiểu thương nhỏ lẻ như chúng tôi lại chật vật tính toán, cũng có nhiều thời điểm mất khách vì không nhận được sự thông cảm",ông Vinh nói.
Nhận định về tác động của việc tăng giá điện tới giá cả hàng hóa, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng nhưng không phải quá lớn.
"Với việc giá điện bình quân tăng khoảng 4,8% thì số tiền người dân, doanh nghiệp phải đóng thêm không quá lớn, chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Ngành điện cũng đã cân đối hài hòa các yếu tố an sinh xã hội, giảm tác động đến đời sống nhân dân và nền kinh tế trước khi quyết định điều chỉnh. Hơn nữa, giá điện tăng thời điểm hiện tại cũng sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI của năm 2024 khi thời gian còn lại chỉ khoảng hơn 2 tháng, tiền điện sẽ làm chỉ số này tăng khoảng 0,04%", ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, trước đây mỗi khi giá điện tăng thường sẽ xảy ra hiện tượng giá cả hàng hóa "tát nước theo mưa", lập tức tăng theo, dù trên lý thuyết thì giá điện sẽ không tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa ngay như thế được. Do vậy, cơ quan quản lý, đặc biệt là Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cần siết chặt, tăng cường kiểm tra, quản lý không để giá cả hàng hóa tăng vô cớ.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích:"Số liệu của Tổng Cục Thống kê đã tính toán, nếu giá điện tăng 10% thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của toàn nền kinh tế sẽ tăng 0,33%. Như vậy với con số này thì việc giá điện tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số lạm phát hay CPI cả năm, chúng ta hoàn toàn vẫn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, rõ ràng việc giá điện tăng sẽ khiến giá sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, khiến lợi nhuận giảm đi, người dân cũng sẽ đối mặt với chi phí chi tiêu tăng hơn so với trước", chuyên gia nói.
Do vậy, ông Lâm cho rằng, trong bối cảnh giá điện tăng, doanh nghiệp cần phải tiết giảm chi phí, sắp xếp lại cơ cấu giá sản xuất để hạn chế đầu vào, giúp lợi nhuận không bị giảm đi, thay vì việc tăng giá thành."Chi phí sản xuất tăng là đương nhiên, doanh nghiệp buộc phải thích nghi nếu muốn duy trì mức lợi nhuận. Phải cân nhắc những chi phí nào không cần thiết để tiết giảm đi chứ không thể tăng giá thành sản phẩm, điều đó không hợp lý và không dẫn đến phát triển bền vững", ông Lâm nêu quan điểm.
Ngày 11/10, EVN phát đi thông báo, giá bán lẻ điện bình quân bắt đầu tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4,8%.
Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0-50kWh) là 1.893 đồng/kWh.
Bậc 2 cho kWh từ 51-100 có giá là 1.956 đồng/kWh.
Bậc 3 cho kWh từ 101-200 có giá là 2.271 đồng/kWh
Bậc 4 cho kWh từ 201-300 có giá là 2.860 đồng/kWh
Bậc 5 cho kWh từ 301-400 có giá là 3.197 đồng/kWh
Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.302 đồng/kWh
EVN cho biết, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Đây là lần điều chỉnh tăng giá điện thứ 3 kể từ năm 2023. Trước đó, giá điện đã tăng lần thứ nhất vào ngày 4/5/2023 với mức điều chỉnh tăng hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) và lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9/11/2023 là 86,4168 đồng/kWh (tương ứng mức tăng 4,5%).