Mới đây, Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện thêm 8,3%, điều này sẽ kéo chi phí sản xuất thép tăng theo. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của mỗi công ty là khác nhau, tùy thuộc vào công nghệ sản xuất. Đối với mảng thép dài, các doanh nghiệp thép chọn lựa công nghệ EAF – lò điện, hoặc công nghệ BOF.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thép Việt Nam (VSA), sản lượng từ các cơ sở sản xuất theo công nghệ EAF chiếm đến 65% tổng sản lượng sản xuất thép trong nước. Với công nghệ này, mức tiêu thụ điện khoảng trên mỗi tấn khoảng 600 KWh.
Giá điện thường chiếm 8-9% chi phí sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất thép sử dụng công nghệ EAF như Pomina hay Vinakyoei sẽ chịu tác động lớn hơn từ việc tăng giá điện.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ BOF như Hòa Phát hay Tisco sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ EAF. Chỉ có 35% sản lượng thép trên cả nước được sản xuất theo công nghệ BOF với chi phí giá điện chiếm khoảng dưới 5% chi phí sản xuất.
Đặc biệt, HPG còn sở hữu lò luyện than cốc nội bộ, nhờ vậy công ty có thể tự cung cấp 40-45% nhu cầu điện hàng năm thông qua việc thu hồi nhiệt thải ra từ lò luyện than cốc.
Đối với mảng tôn, không có sự chênh lệch lớn về mức tiêu thụ điện trên mỗi tấn giữa các nhà sản xuất tôn do sử dụng công nghệ sản xuất công nghệ tương tự. Tuy nhiên, việc giá điện tăng chắc chắn sẽ kéo chi phí sản xuất tăng lên đối với các sản phẩm tôn. Hiện nay, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Công ty Thép Nam Kim (NKG) là hai doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất tôn.