Tại họp báo Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đề cập tới việc giá gạo đã giảm mạnh trong hai tuần qua.
Ông nhấn mạnh, năm 2024 là năm đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo, với giá bình quân 627 USD/tấn, cao hơn các năm trước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu giảm hiện nay chủ yếu do Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, tạo sức ép khiến giá gạo toàn cầu có xu hướng đi xuống.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng gạo, gắn liền với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu tại các thị trường truyền thống như Philippines và Indonesia.
Đồng thời, ông đề xuất các ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi để doanh nghiệp mua gạo tích trữ gạo, ngành tài chính cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tăng cường nguồn lực. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại để hỗ trợ xuất khẩu gạo.
Liên quan đến phản ứng của Việt Nam trước nguy cơ gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng, ông Trần Thanh Hải khẳng định: Xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất của Việt Nam - sẽ chịu tác động từ các chính sách thương mại mới mà chính quyền ông Trump dự kiến triển khai trong thời gian tới.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Về xuất siêu, Việt Nam đang xếp sau Trung Quốc và Mexico tại thị trường này.
Mục tiêu của Hoa Kỳ là giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư với công cụ cổ điển là thuế quan. Thực tế, Hoa Kỳ đã áp thuế cao với hàng hóa từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU…
Trước đây, ảnh hưởng của hàng Việt Nam từ thuế quan của thị trường Hoa Kỳ chưa lớn. Nhưng bước vào năm 2025, Bộ Công Thương đã tính toán 2 kịch bản:
Kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Khi đó, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.
Ở kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan trở nên gắt gao hơn, kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến tác động tiêu cực đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Hoa Kỳ - nếu gặp khó khăn do bị áp thuế, cũng sẽ tạo sức ép lên Hoa Kỳ và gián tiếp gây sức ép lên Việt Nam. Trong trường hợp này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới.
Năm 2024, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam đạt mốc 100 tỷ USD. Thị trường này ưa chuộng hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Riêng với nông, lâm, thủy sản, Hoa Kỳ chiếm 21,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, trong ba năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang thị trường này tăng 30-45% mỗi năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 10-20%/năm tại EU. Do đó, Hoa Kỳ thực sự là thị trường tiềm năng cho hoa quả và trái cây Việt Nam.
Ngoài nông sản, Hoa Kỳ còn nhập khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày... Lợi thế của hàng hóa Việt Nam nằm ở chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và khả năng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh kim ngạch xuất khẩu tăng cao, số vụ kiện phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ đối với hàng Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng.