Theo đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tuần này đã tăng 5 USD/tấn so với tuần trước, lên 515 – 520 USD/tấn, cao nhất trong vòng hơn 9 năm (từ tháng 12/2011). Ở mức này, giá gạo Việt Nam đang cao hơn khoảng 10- 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan.
Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood) vừa giành được hợp đồng cung cấp 50.000 tấn gạo 5% tấm cho Bangladesh với giá 522 USD/tấn, FOB Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ hạn giao trong tháng 4. Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, nhưng gần đây đã chuyển sang trở thành nước nhập khẩu gạo lớn do lũ lụt làm mất mùa.
Trong khi đó, Hàn Quốc cũng thông báo ngày 26/3 sẽ mở thầu mua 200.000 tấn gạo có nguồn cung cấp đến từ Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Australia và Việt Nam. Trong số hơn 200.000 tấn gạo này sẽ có một lô hàng hơn 11.000 tấn được Hàn Quốc mua từ Việt Nam. Gạo trúng thầu sẽ được giao trong khoảng thời gian từ 1/5 - 31/10.
Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu 15 ngày tháng 3.2021 đạt 203.320 tấn, trị giá 111,321 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu đến ngày 15.3.2021 đạt 858.605 tấn, trị giá 470,341 triệu USD, tăng mạnh tới 21,75% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Với tình hình xuất khẩu khả quan như vậy nên mặc dù hiện tại đang giữa mùa thu hoạch vụ đông xuân, nguồn cung dồi dào nhưng giá lúa gạo vẫn ổn định ở mức cao. Gạo Nàng Nhen hiện có giá 16.000 đồng/kg, thơm Thái Lan hạt dài: 18.000 - 19.000 đồng/kg, thơm Jasmine: 15.000 - 16.000, Nàng Hoa: 16.200 đồng/kg, gạo Nhật: 24.000 đồng/kg, Hương Lài: 20.000 đồng/kg; Sóc Thái: 19.000 đồng/kg…Giá lúa tươi tại đồng bằng sông Cửu Long cũng giữ ổn định ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.600 - 6.800 đồng/kg; OM 9577, OM 9582 ở mức 6.650 đồng/kg; Nàng Hoa 9: Giá 6.600 đồng/kg; OM 6976: 6.600 - 6.700 đồng/kg; OM 18: 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa Nhật: 7.500 - 7.600 đồng/kg; Đài thơm 8: 6.700 - 6.900 đồng/kg…
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – cũng đang rất sôi động nhờ nhu cầu mạnh từ các khách hàng Châu Á và Châu Phi. Mặc dù vậy, giá gạo Ấn Độ tuần này cũng không thay đổi so với tuần trước, loại 5% tấm đồ khoảng 398 - 403 USD/tấn, cao nhất kể từ giữa tháng 2/2021.
Riêng giá gạo Thái Lan tuần này giảm bởi nhu cầu yếu. Diễn biến giá gạo Thái Lan hiện vẫn bám sát diễn biến tỷ giá. Tuần này, baht giảm giá giúp các nhà xuất khẩu gạo nước này có thể hạ giá bán một chút.
Theo đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan hiện được chào bán ở mức giá 500 – 518 USD/tấn, so với 505 – 513 USD/tấn cách đây một tuần. Đồng baht đã giảm 2,9% giá trị so với USD kể từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, trong khi giá gạo xuất khẩu giảm thì giá gạo nội địa ở Thái Lan có xu hướng tăng do lo ngại hạn hán sẽ làm giảm nguồn cung gạo trong nước năm nay, khiến nhiều người mua vào để tích trữ.
Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết, xuất khẩu gạo của nước này trong tháng 1/2021 chỉ đạt 421.477 tấn, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch cũng giảm 16,2% xuống 8,72 tỷ baht.
Năm 2020, xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ đạt 5,72 triệu tấn, giảm 24,5% so với năm trước đó; kim ngạch đạt 115,9 tỷ baht, giảm 11,2%. Với kết quả đó, Thái Lan đã rơi xuống vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới, sau Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan, từ vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trong năm 2019, chỉ sau Ấn Độ.
Tình hình xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2021 vẫn không khả quan khi Bộ Thương mại Thái Lan dự báo xuất khẩu gạo của nước này năm 2021 sẽ chỉ đạt 6 triệu tấn, trị giá khoảng 150 tỷ baht (4,83 tỷ USD), trong đó Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh và Iraq sẽ là những thị trường chính theo các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ (G2G).
Tham khảo: Refinitiv