Nếu so với hồi cuối tháng trước, giá gạo Việt xuất khẩu hiện đã tăng khoảng 15 USD/tấn. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở mức 473 USD/tấn, gạo 25% tấm là 453 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu trong tháng đầu năm nay tăng cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết. Các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn.
Kiểm tra chất lượng gạo tại nhà máy. (Ảnh: TTXVN)
Hiện nhiều nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như: Trung Quốc, Philippines, châu Phi… đang tích cực thu mua gạo dự trữ. Riêng Philippines - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, đã có những tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu cho năm 2023 khi nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu ở mức 35%.
Cơ hội để gạo Việt bứt phá
Giá gạo xuất khẩu tăng cho thấy những tín hiệu thị trường đang rất tích cực. Các chuyên gia cũng đánh giá, năm nay sẽ có nhiều dư địa và cơ hội để ngành hàng tỷ đô này tiếp tục bứt phá. Hiện nay, ngành lúa gạo bắt đầu tăng tốc trở lại, hoạt động thu mua, chế biến đã sôi động hơn, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tất bật, khẩn trương… là không khí sản xuất tại các nhà máy gạo. Khác những năm trước, năm nay, thị trường xuất khẩu sôi động hơn.
"Xuất khẩu gạo thuận lợi, nhu cầu của thế giới nhiều, giá cả tăng. Giá bán từ 700USD/ tấn, thấp nhất cũng phải 500 USD/tấn", ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, Tiền Giang, chia sẻ.
Biến đổi khí hậu đã và đang khiến nhiều quốc gia sản xuất lương lực gặp khó, nguồn cung sụt giảm. Đây là cơ hội tốt cho hạt gạo Việt, vì nước ta ít bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, sản xuất lúa, gạo trong nước đang theo chuỗi liên kết và chất lượng.
"Đã vào được các thị trường khó tính. Chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng gạo từ khoảng 10 năm nay. Gạo của chúng ta tập trung nâng cao chất lượng rất nhiều", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Cần Thơ, cho biết.
Dây chuyền chế biến, đóng gói gạo thành phẩm tại một nhà máy. (Ảnh: TTXVN)
"Vừa tăng năng suất, giảm giá thành nhưng đồng thời chất lượng gạo tạo ra ngày một tốt hơn và dần dần sẽ tiến tới sản xuất hữu cơ để làm sao đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng", ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định.
Mỗi năm, Việt Nam sản xuất từ 22 - 23 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%. Vì vậy, dư địa để gia tăng sản lượng xuất khẩu là khá lớn. Đặc biệt, với việc sản xuất hơn 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao, sẽ mở ra nhiều cơ hội để ngành hàng này phát triển và vươn xa.
Xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao xuất khẩu
Chất lượng là điều bà con sản xuất lúa gạo đang tập trung vào, thay vì nâng cao năng suất. Để nâng cao giá trị hạt gạo, biến vùng sản xuất thành vùng đầu tư, phục vụ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Vùng nguyên liệu này với mục tiêu đa giá trị và tăng trưởng xanh, được kỳ vọng là đòn bẩy phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL.
Hiện mới có khoảng 10% diện tích lúa trên cả nước có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Cụ thể hóa đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sẽ là cơ sở để ngành lúa gạo tiếp tục thay đổi vị thế và giá trị trong năm 2023.
"Kỳ vọng sau khi đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được phê duyệt sẽ là tiền đề để An Giang nói riêng và ĐBSCL thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển một cách vượt bậc, vừa về chất vừa về giá trị, giúp nông dân ký hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định để ký với đối tác nước ngoài thuận lợi trong nhiều năm để sau đó ký với nông dân với giá cao hơn giá hiện nay", ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhận định.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500.000 ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa, tức khoảng 3,8 triệu tấn gạo. Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%.
Những vùng lúa chất lượng cao này sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ, bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả cao.