Đã nhiều ngày nay, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lan, trú tại thôn Phú Xá, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương phải thường xuyên đưa gà ra chợ để bán lẻ từng con. Mặc dù mỗi ngày chỉ bán được khoảng 20-30 con, với giá không vượt quá 50.000 đồng/kg, nhưng vợ chồng bà vẫn quyết tâm xé đàn bán chạy, mong không bị âm vào vốn.
Bà Lan (người đứng bên trái) phải mang gà ra đường liên thôn để bán lẻ
Theo bà Lan chia sẻ, 5-6 năm nay, gia đình bà chăn nuôi gà lông màu với số lượng gà trong chuồng thường xuyên đạt khoảng 3.000 con. Trước khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, giá gà lông màu xuất bán tại chuồng cho thương lái ở mức 60.000 đến 65.000 đồng/kg, giúp người chăn nuôi có lãi khá.
“Trước kia, cứ đến lứa chỉ cần một cuộc điện thoại là thương lái đến bắt hết sạch vài nghìn con trong vài ba ngày. Nay thì phải xé lẻ ra bán, chỉ mong thu được đồng vốn nào tốt đồng đó. Chứ để nuôi quá lứa còn tốn kém hơn nhiều”, bà Lan lắc đầu ngao ngán nói.
Cũng như gà lông màu, giá gà lông trắng trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện cũng đang giảm sâu, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tiếp 2 lần trong thời gian qua, với giá bán một bao cán trọng lượng 25kg tăng khoảng 10.000 đồng.
Ông Vũ Văn Hướng, chủ hộ chăn nuôi tại xã Tân Trường (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết, khi đã đạt trọng lượng xuất bán, nếu chờ thương lái đến thu mua sẽ tăng chi phí thức ăn, trong khi trọng lượng gà vịt không tăng. Nếu chỉ cho ăn cầm chừng gà sẽ xuống mã, chưa kể đến nguy cơ dịch bệnh rất cao do đàn gà bị giảm sức đề kháng. Vì thế, đa phần các hộ chăn nuôi như nhà ông buộc phải bán lẻ thay vì chờ thương lái đến mua cả đàn.
Qua tìm hiểu được biết, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), hầu hết các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi chưa nên tái đàn lợn. Để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt, tỉnh Hải Dương đã có chủ trương khuyến khích các hộ phát triển đàn gia cầm và đại gia súc nên trong lúc chờ dịch đi qua, nhiều hộ chuyển đổi sang nuôi gà, vịt. Tình trạng này cùng lượng gà nhập khẩu tăng với giá rẻ càng làm cho giá gà giảm mạnh.
Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Thanh Nhàn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Kinh Môn (Hải Dương) cho biết: "Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát nên phần lớn đàn lợn của địa phương bị tiêu hủy. Sau khi dịch bệnh qua đi, nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi gia cầm vì vốn đầu tư ít và an toàn hơn so với chăn nuôi lợn. Hiện tổng đàn gia cầm toàn địa bàn đạt hơn 1 triệu con, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước".
Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh Hải Dương hiện đạt khoảng 13 triệu con, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 9,9 triệu con gà, tăng 6,4%.