Giá thịt gia cầm, giá trứng cùng giảm mạnh
Sau vài ngày giá gà vịt nhích lên trên 30.000 đồng/kg thì 1-2 phiên gần đây, giá gia cầm lại tuột dốc không phanh. Không những thế, người chăn nuôi gia cầm còn phải đối mặt với việc trứng rớt giá mạnh, khiến họ đứng ngồi không yên, thua lỗ nặng.
Giá trứng tuột dốc không phanh, người chăn nuôi khổ sở lo lắng vì khó tiêu thụ, thua lỗ nặng nề.
Theo ghi nhận của phóng viên DANVIET.VN, hiện nay giá trứng gà bán ra tại trại ở khu vực Đông Nam Bộ giảm mạnh, chỉ còn khoảng 900-1.200 đồng/quả tùy loại; còn giá trứng vịt cũng chỉ còn khoảng 1.500-1.600 đồng/quả. Giá trứng chim cút giảm còn 160-180 đồng/quả.
Với giá trứng này, người chăn nuôi đang chịu lỗ từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Những trại chăn nuôi quy mô càng lớn, lỗ càng nhiều.
Không chỉ trứng rẻ, giá các sản phẩm thịt gia cầm tại địa bàn Đồng Nai cũng đang trên đà giảm. Cụ thể giá gà trắng công nghiệp thời điểm này cũng chỉ còn 10.000 - 12.000 đồng/kg, giá vịt nằm ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg. Gà thả vườn cũng chỉ giao động từ 48.000-55.000 đồng/kg.
Giá thịt gia cầm hôm nay tiếp tục nằm ở mức thấp.
Bà Nguyễn Thị Hương, ngụ huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) cho biết, gia đình bà nuôi 4.500 con gà và 3.000 con vịt đẻ trứng. Hiện tại giá trứng giảm mạnh, lại khó tiêu thụ nên gia đình bà lâm cảnh khó khăn chật vật, phải tìm đủ cách để tiêu thụ.
Theo bà Hương, giá trứng gà bán tại trại chỉ còn khoảng 1.200 đồng/quả loại 1, giảm khoảng 300 đồng/quả so với trước Tết Nguyên đán. Giá trứng vịt giảm còn khoảng 1.600 đồng/quả. Với giá này, mỗi tháng gia đình bà Hương đang thua lỗ gần 100 triệu đồng.
Khó khăn chồng chất
Tương tự, trại gà đẻ hơn 10.000 con của ông Phan Văn Tuấn ngụ tại huyện Thống Nhất cũng đang vô cùng khổ sở vì trứng gà không xuất đi được. Ông Tuấn cho biết, thời gian trước giá trứng khá thấp; nhưng vẫn chưa đến mức lỗ, tạm cầm cự được. Nhưng khoảng 1 tuần nay, các trại xuất ra chỉ được giá hơn 1.000 đồng/quả nên ông rất lo lắng.
Trại của ông trước đây có mối quen chuyên nhập trứng, nhưng mấy ngày liền ông gọi điện họ hứa hẹn vào lấy trứng nhưng rồi im bặt.
“Năm nay đúng là năm hạn của người chăn nuôi gia cầm lấy thịt và lấy trứng như chúng tôi. Tính toán sai là ôm hậu quả nặng nề. Cứ nghĩ heo giảm đàn, giá đắt thì họ chuyển sang ăn thịt gà, ăn trứng, vậy mà cuối cùng đua nhau nuôi gia cầm thì lại lỗ bay cả vốn”, ông Tuấn chia sẻ.
Trứng xuất từ trại giá cũng rất thấp, người nuôi gia cầm lấy trứng đứng ngồi không yên
Riêng bà Mai Thị Loan, người nuôi gà vịt tại huyện Trảng Bom cũng cho biết hôm nay bà vừa xuất chuồng lứa gà trắng với giá thấp thê thảm, chỉ đạt 12.500 đồng/kg. Cầm đồng tiền bán gà trong tay, bà Loan buồn thiu vì lỗ mất hơn 50 triệu đồng.
“Người chăn nuôi như chúng tôi thì lấy đâu ra tiền sẵn, toàn là vay ngân hàng, vay anh em bà con để làm ăn. Nuôi con gì cũng cầu trời cho suôn sẻ để khi thu hoạch có tiền trả nợ. Tiền vốn đem trả, tiền lời được chút đỉnh lại gom góp lo cho lứa mới. Vậy mà từ đầu năm đến nay, lứa nào xuất chuồng cũng lỗ, tiền đâu không thấy chỉ thấy nợ ngày càng tăng. Mong là dịch bệnh sớm ổn định, các bếp ăn sớm hoạt động cũng như nước ngoài chịu nhập lại gia cầm để chúng tôi đỡ khổ. Tình trạng này nếu kéo dài chúng tôi không biết sẽ xoay xở thế nào”, bà Loan nói.
Còn hộ gia đình ông Hoàng, người nuôi gà đẻ trứng suốt 25 năm qua cho biết: Chưa năm nào tình hình căng thẳng đến như vậy. Hiện gia đình ông đang nuôi gần 75.000 con gà đẻ nhưng đang chịu lỗ nặng suốt nhiều tháng qua.
Mỗi lứa gà xuất chuồng, người chăn nuôi đều lỗ nặng do giá gia cầm hôm nay vẫn ở mức thấp.
“Vào khoảng tháng 2, giá trứng gà bắt đầu giảm mạnh. Tính ra, mỗi quả trứng gia đình tôi gánh lỗ khoảng 300-400 đồng. Còn hiện tại, giá trứng nhích lên một chút, bán buôn ở trang trại đạt 1.100 đồng/quả, nhưng vẫn lỗ 250 đồng/quả. Với 75.000 ngàn con gà đẻ trứng, mỗi ngày tôi lỗ khoảng hơn 10 triệu đồng", ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, tính ra mỗi tháng, trang trại của ông bị lỗ khoảng 300 triệu đồng.
"Tất cả cũng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên cung vượt cầu, hàng vừa khó xuất, giá lại giảm. Hơn nữa trước dịch tả heo châu Phi chúng tôi cũng tính toán sai, nên hiện giờ lãnh đủ. Mong dịch chóng qua nếu không chúng tôi khó cầm cự nổi, nợ ngân hàng không biết lấy đâu mà trả", ông Hoàng buồn bã nói.
Ông Phan Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết xã có khoảng 1 triệu con gia cầm. Thời gian gần đây, giá gia cầm thịt và trứng giảm khiến nhiều trang trại quy mô vừa, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo ông Tươi, nguyên nhân là do nguồn cung đang tăng đột biến trong khi đó nhu cầu giảm, dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể tại nhiều trường học, xí nghiệp tạm đóng cửa nên không nhập thịt, trứng.
Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng đàn gia cầm của Đồng Nai đạt mức lớn nhất từ trước đến nay, gần 33 triệu con. Trong đó, tổng đàn gà đạt khoảng 24 triệu con, còn lại là cút, vịt, ngan, ngỗng. |