Giá gà thả vườn đang tăng trở lại
Ông Mai Văn Rõ - chủ trang trại nuôi gà ta thả vườn có quy mô lớn nhất huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) cho biết, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, gia đình ông xuất bán gà ta thả vườn với giá 70.000 đồng/kg, sức tiêu thụ rất mạnh. Trong chuồng có bao nhiêu thì thương lái mua hết bấy nhiêu, thế nhưng vừa qua Tết chỉ vài ngày thì gà bất ngờ bị “tắc” đầu ra.
Thương lái không đến chuồng thu mua gà số lượng lớn như trước để cung ứng cho thị trường các tỉnh Bắc miền Trung, mà chỉ còn những người chạy chợ mua lai rai để cung cấp cho các quán ăn, điều này khiến giá gà giảm dần.
Giá gà thịt ở tỉnh Bình Định gần đây đang tăng nhẹ trở lại.
“Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tất cả các quán nhậu, quán ăn đều ế ẩm nên không thu mua gà vào như trước, thương lái cũng dừng mua. Bán cho những người chạy chợ thì giá rất thấp. Sau Tết, tôi có đến 4.000 - 5.000 con gà đã đến tuổi xuất bán nhưng không tiêu thụ được, đành giữ lại cầm chuồng cả tháng”, ông Rõ cho hay.
Gà đến tuổi nhưng chưa thể xuất bán khiến người nuôi hao tốn thêm chi phí và thấp thỏm lo bệnh dịch ập đến. May mắn, khoảng một tuần nay, thương lái bắt đầu mua gà trở lại. Chỉ tính riêng 3 ngày qua, gia đình ông Rõ đã xuất bán được gần 2 tấn gà.
Ông Rõ cho biết, không chỉ đầu ra của gà đã bắt đầu “hanh thông” mà giá gà thịt cũng đang tăng lên. Cụ thể, giá gà ta thả vườn tại Bình Định đang được thương lái thu mua mức 60.000 đồng/kg, còn gà ta nuôi nhốt chuồng có giá từ 52.000 - 55.000 đồng/kg.
“Mức giá này thấp hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán, nhưng người chăn nuôi cũng có lãi, dù ít nhưng mừng nhất là gà bắt đầu tiêu thụ được”, ông Rõ nói.
Giá gà tăng khiến nhiều người nuôi vui mừng xuất bán sau thời gian cầm chuồng.
Theo ông Lê Xuân Đạt (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), người đang nuôi 1.200 con gà lấy trứng, từ chiều ngày 22/2, giá trứng gà tại đây đã tăng lên 1.600 đồng/quả, thị trường có dấu hiệu mua mạnh trở lại.
Đang có 4.000 con gà gần đến tuổi xuất bán, anh Nguyễn Mạnh Huy (50 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, TX.An Nhơn) cho hay: “Gà sau 3 tháng nuôi, đúng tuổi xuất chuồng mà không bán được thì dù có cho ăn cỡ nào cũng không tăng trọng, mà chỉ săn thịt lại. Đến khi ấy, với 4.000 con gà mỗi ngày tôi phải tốn tiền triệu thức ăn mà không tăng được ký, gà bị cầm chuồng chừng 1 tháng là kể như mất đứt khoản lãi. Hơn 1 tháng qua, thị trường gà đầu ra tắc khiến tôi ăn ngủ không yên. Giờ giá gà tăng lại, người nuôi cũng thấy nhẹ lòng”.
Giá vịt hôm nay: Vịt tàu Hậu Giang giảm tới 14.000 đồng/kg, vịt miền Bắc tăng nhẹ
Theo ghi nhận, giá vịt tàu (vịt mắt xéo) ở thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đang được thương lái mua ở mức thấp, giá chỉ còn 36.000 đồng/kg, giảm 14.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng.
Nguyên nhân giá vịt giảm là do thị trường cung vượt cầu, người nuôi xuất chuồng nhiều, cộng thêm ảnh hưởng dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số địa phương và dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng hạn chế giao dịch, mua bán.
Bà Lê Thị Mê, ở khu vực Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ vừa xuất bán 100 con vịt tàu, cho biết giá vịt phải đạt từ 40.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi mới có lời. Với giá hiện tại, hầu như người nuôi không có lời.
Một thông tin đáng mừng là giá gà công nghiệp tại các tỉnh phía Nam đang tăng trở lại, giúp người chăn nuôi "thở phào" vì bắt đầu thoát lỗ. Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà (TP.Hồ Chí Minh), giá gà công nghiệp ở Đông Nam Bộ thời gian gần đây đã tăng trở lại.
Giá gà lông màu và gà công nghiệp đang tăng dần trở lại.
Cụ thể, trước đó gần 1 tuần (ngày 21/2), gà công nghiệp của C.P Việt Nam còn ở mức rất thấp, chỉ đạt 14.000 đồng/kg. Ngày 22/2, nhích lên 19.000 đồng/kg (gà bắt ở Đồng Nai) và 20.000 đồng/kg (gà ở Bình Dương).
Tới ngày 25/2, giá gà công nghiệp C.P Việt Nam đã tăng lên ở mức 25.000 đồng/kg và tăng thêm 2.000 đồng/kg để đạt mức 27.000 đồng/kg vào ngày 26/2.
Giá gà công nghiệp ở nhiều trang trại khác cũng tăng mạnh và đạt khoảng 24.000 đồng/kg vào ngày 25/2.
Trong khi đó, giá vịt thịt tại một số địa phương miền Bắc cũng đang tăng dần. Theo ông Lê Hùng Quang - Phó Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ, giá các loại vịt ngan hôm nay đều tăng, trong đó giá vịt thịt hôm nay tăng cao nhất, đạt từ 34.000 đồng đến 36.000 đồng/kg. Giá ngan thịt cũng đã tăng lên từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg, hiện hàng ngan già có giá trên 60.000 đồng/kg.
"Lượng hàng về chợ ổn định từ 20 - 25 tấn nhưng người mua nhiều hơn khiến cho giá vịt tăng trở lại", ông Quang nói.
Bảng giá một số sản phẩm gia cầm tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ:
Nguồn: Chăn nuôi Việt Nam
Nhiều người nuôi gia cầm Trung Quốc có nguy cơ phá sản vì Covid-19 Dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới với tên gọi SARS-CoV-2 (Covid-19) đang ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi gia cầm của Trung Quốc, và có thể khiến nhiều gia đình phá sản và rời khỏi ngành như đã từng xảy ra với những hộ nuôi heo trong hơn một năm qua. Nguồn cung thiếu hụt và giá thịt heo tăng vọt tại Trung Quốc vì dịch tả heo châu Phi mang lại niềm hi vọng lớn cho người chăn nuôi gà tại quốc gia tiêu thụ protein lớn nhất thế giới trong năm nay. Sản lượng thịt gia cầm của Trung Quốc đã tăng 12% trong năm ngoái lên 22,39 triệu tấn, sau khi người chăn nuôi tìm cách thu hẹp khoảng cách từ nguồn cung thịt heo khan hiếm. Nhiều tuyến đường làng trên khắp Trung Quốc vẫn bị chặn, bất chấp nỗ lực của chính phủ nhằm giảm khó khăn cho những ngành quan trọng như thực phẩm, vận chuyển thức ăn chăn nuôi và gia cầm. Một số nhà máy thức ăn chăn nuôi và lò giết mở vẫn đóng cửa khiến người chăn nuôi không tiêu thụ được gia cầm. Giá bán gà một ngày tuổi của các trại chăn nuôi giống đang ở mức thấp hơn chi phí, dao động trong khoảng 1,4 – 2 nhân dân tệ/con. Giá trung bình một con gà con trong năm ngoái là 6,8 nhân dân tệ/kg. Ông Zhang Yangguang, giám đốc trang trại nuôi giống Trung tâm Gia cầm Beijing Lvyan cho biết, ngay cả khi ông có thể bán đàn heo con thì ô tô tải cũng không thể ra hoặc vào lấy hàng vì các tuyền đường làng vẫn đang bị chặn. Tồi tệ hơn là hầu hết nhà giết mổ ở phía đông bắc và tây bắc Trung Quốc vẫn đóng cửa, vì vậy ông không thể tiêu huỷ những con gà không đạt chuẩn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nó có thể khiến những cơ sở như của ông Zhang phải phá sản, và tác động sẽ lan sang cả cơ sở nuôi gà bố mẹ để sản xuất gà con, theo chuyên gia của Rabobank. |