Một số tỉnh đang kêu gọi "giải cứu" gia cầm giúp người dân bớt thiệt hại.
Kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ gia cầm cho nông dân
Theo thống kê từ các địa phương của Thừa Thiên - Huế, số lượng gia cầm cần hỗ trợ tiêu thụ cuối tháng 3/2020 là gần 42.000 con vịt, hơn 38.000 con gà; 500 vịt trời...
Được biết, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các huyện, phòng nông nghiệp làm việc với các hộ nông dân để xác định số lượng, nhu cầu và đơn giá cần giải cứu. Yêu cầu các hội, hiệp hội doanh nghiệp cùng vào cuộc để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai Sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác và hiện dữ liệu được ưu tiên đưa thông tin nông sản cần giải cứu cho người dân.
Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết, sàn kinh tế hợp tác dùng công nghệ mở rộng thông tin kết nối, hạn chế việc tiếp xúc giữa người bán và khách hàng. Hiện các yếu tố về công nghệ, kết nối cung cầu, vận chuyển hàng hoá khi giao dịch thành công được nhóm hỗ trợ thiết lập mạng lưới và đã sẵn sàng.
Ông Sơn cho hay: Hiện tỉnh cũng thành lập một nhóm hỗ trợ để vận hành sàn, điều phối hoạt động vận chuyển hàng hoá, hỗ trợ trực tiếp các điểm cần giải cứu, cập nhật số lượng và kết nối các chuỗi cung ứng sản phẩm.
Những ngày qua, các thành viên của Hội Doanh nhân nữ (HDNN) tỉnh Thừa Thiên - Huế tất bật với việc kết nối số lượng gia cầm cần giải cứu.
Chị Nguyễn Thị Huệ, đại diện HDNN tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ, hệ thống hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm được khởi động với một chuỗi các thành phần tham gia: Các huyện sẽ cập nhật, thống kê số lượng, Sở Công Thương tổng hợp đơn đặt hàng.
"Sàn kinh tế hợp tác sẽ lo việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, theo dõi đơn hàng ban đầu và chúng tôi sẽ điều phối, phân loại nhóm gia cầm cần giải cứu. Công ty Âu Lạc, DMZ lo việc sơ chế gà, vịt (mỗi ngày khoảng trên 1.000 con) và Huế Việt hỗ trợ giao hàng cho khách.
Ngoài ra, chúng tôi triển khai mở điểm bán lẻ gia cầm tại cửa hàng Huế Việt -19 Trường Chinh và Hội Phụ nữ tỉnh ở 12 Đống Đa. Bước đầu, qua nhiều kênh, đã giải cứu trên 7.000 gia cầm cho nông dân”, chị Huệ vui mừng chia sẻ.
Theo ông Sơn, để khuyến khích người dân chung tay với tỉnh trong việc giải cứu nông sản, đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh, khuyến nghị người dân trên tinh thần quan tâm hỗ trợ cho nông dân, hãy sử dụng sàn thương mại thường xuyên hơn, nhiều hơn thay cho việc mua bán truyền thống, trực tiếp.
Thời gian tới, Sở sẽ triển khai tích hợp sàn thương mại điện tử này như một thành phần của đô thị thông minh Hue-S và mở rộng hệ thống giao dịch trên tất cả các loại hàng hoá sản phẩm; đảm bảo xây dựng kênh tiện ích cho việc cung cấp nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp và người dân; hướng đến các mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ được kết nối và cung cấp trên sàn.
Ông Sơn khẳng định thêm, sắp tới Sở sẽ cố gắng kết nối sàn hợp tác với các sàn trên toàn quốc cũng như tập huấn nghiệp vụ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ để chủ động cập nhật thông tin lên sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác.
Giá vịt thịt hôm nay mỗi nơi một giá.
Giá gà thịt hôm nay: Mỗi vùng một giá
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Tâm, lái buôn gia cầm ở Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, do tình hình dịch bệnh phức tạp hơn nên mấy ngày gần đây lượng hàng về chợ đầu mối có dấu hiệm giảm nhẹ. Điều đáng nói là giá gà, vịt cũng không tăng mà ngược lại còn giảm nhiều so với trước.
"Các mặt hàng gà, vịt đều giảm 2, 3 giá (giảm 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg), khách mua cũng ít hơn", ông Tâm khẳng định.
Theo ông Tâm giá gà thịt công nghiệp hiện đã xuống còn khoảng 33.000 đồng/kg, gà Dabaco chỉ bán được 43.000 đồng/kg; vịt thịt xuống trên dưới 30.000 đồng/kg...
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, giá vịt thịt tại một số khu vực ở Nghệ An đang được lái thu mua với giá 30.000 đồng đến 31.000 đồng/kg.
Nói về thông tin giá vịt so sự chênh lệch giữa các vùng, bà Trương Thị Thơm, một lái buôn vịt ở Nghệ An cho rằng, giá cả thị trường còn tùy thuộc vào đầu ra tại mỗi vùng. Nếu trại hay lái buôn có đầu mối tiêu thụ thuận lợi thì sẽ bán được hàng với giá cao và ngược lại.
"Dù chúng tôi mua hàng với giá cao nhưng cũng không bán được nhiều, trung bình mỗi ngày tiêu thụ tốt mới được khoảng hơn 1.000 con", bà Thơm tiết lộ.