Giá gia cầm hôm nay tại các chợ dân sinh của Hà Nội vẫn ở mức cao.
Người chăn nuôi thua lỗ nặng vì giá gia cầm liên tục giảm
Hôm nay, gia đình ông Phạm Trọng An ở Triệu Sơn (Thanh Hóa) vừa xuất bán gần 1.000 con vịt bơ (vịt super) với giá 25.000 đồng/kg, tính ra vợ chồng ông chịu thua lỗ trên 20 triệu đồng.
Theo tính toán của ông An, với giá giống 8.000 đồng/con, 1.000 con = 8 triệu đồng; lượng thức ăn tiêu tốn tương đương khoảng 300 bao cám x 240.000 đồng/bao (tùy loại cám)= 72 triệu đồng; tiền thuốc và các khoản phát sinh khoảng 10 triệu đồng; trừ mức hao hụt 5 - 10%.
Khi bán đàn vịt còn khoảng trên dưới 900 con x 3,1kg/con (tính trung bình) = 2,8 tấn x 25.000 đồng/kg = 70 triệu đồng. Như vậy, lứa vịt này gia đình ông An chịu lỗ khoảng trên 20 triệu đồng. Đó là chưa tính chi phí công chăm sóc.
"Với giá gà, vịt như hiện tại thì người nuôi càng nhiều, càng thua lỗ nặng. Ở quê tôi có hộ thua lỗ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng là chuyện bình thường", ông An khẳng định.
Bà Phạm Thị Thanh, một lái buôn ở Xuân Lộc (Đồng Nai) cho hay: Đang trong những ngày cách ly toàn xã hội để phòng đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ gà, vịt rất khó khăn nên các thương lái cũng thu mua ít, nhỏ giọt hơn.
"Nhưng hộ nuôi được gà, vịt đẹp còn bán được, còn các hộ có hàng xấu, non, còi rất khó bán, thậm chí có gia đình còn không bán được, gà, vịt đầy chuồng", bà Thanh nói.
Với giá vịt thịt hôm nay vẫn ở mức thấp, khoảng 25.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Rà soát, giảm bớt khâu trung gian
Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá vịt thịt hôm nay tại các trại được lái buôn thu mua ở mức trên dưới 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán tại chợ đầu mối đang được các tiểu thương cung cấp cho khách hàng (các quán ăn, hàng mổ nhỏ, lẻ) với giá trên dưới 30.000 đồng/kg.
Mặc dù giá bán tại chuồng rất rẻ mạt, nhưng thực tế tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai..., người tiêu dùng vẫn phải mua vịt thịt mổ sẵn với giá trên dưới 70.000 đồng/kg.
"Xem thông tin trên đài, báo nói giá gia cầm giảm sâu, người nuôi chịu thua lỗ nặng vì ế ẩm, nhưng thực tế hàng ngày chúng tôi đi chợ thấy giá không thay đổi nhiều so với trước Tết Nguyên đán, khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg gà ta thả vườn; 65.000 đồng đến trên 70.000 đồng/kg vịt thịt mổ sẵn", bà Trương Thị Phương ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Dương, đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi ở khu vực miền Trung cho biết, nhiều năm nay, không chỉ mặt hàng gia cầm, thủy cầm mà thịt lợn của Việt Nam cũng đều đang phụ thuộc nhiều vào các thương lái, khâu trung gian.
"Do sản phẩm phải vượt qua nhiều cầu, cứ qua một khâu trung gian, giá sản phẩm lại được các lái buôn tùy ý nâng lên cao để hưởng lợi", ông Dương nói.
Để giảm chi phí cho các khâu trung gian, ông Dương cho rằng: Nhà nước cần sớm có định hướng rõ và lập quy hoạch chăn nuôi cụ thể cho từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần thường xuyên cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ người chăn nuôi liên kết với các doanh ngiệp, HTX để chăn nuôi theo chuỗi giá trị mới hạn chế đươc rủi ro và có đầu ra ổn định.
"Nếu chúng ta cứ mãi duy trì chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún thì người chăn nuôi và người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi nhiều và ngành chăn nuôi cũng sẽ khó phát triển bền vững", ông Dương khuyến cáo.
Theo ông Dương, trước mắt để giảm bớt khâu trung gian trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, các bộ ngành liên quan cần vào cuộc rà soát toàn bộ khâu này, từ đó có chính sách, biện pháp điều chỉnh kịp thời, hợp lý hơn, may ra mới giúp người chăn nuôi được hưởng lợi.