Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Cập nhật mới nhất đến ngày 15/4, cả nước có 10 nhà máy kết thúc vụ sản xuất mía đường gồm: Nhà máy Nước Trong, Sơn Dương, Cao Bằng, Hòa Bình, Việt Đài, Nông Cống, Nghệ An, La Ngà, TTC - Tây Ninh, BHS – Tây Ninh.
Toàn bộ các nhà máy mía ép được hơn 11,7 triệu tấn mía, sản xuất được trên 1,1 triệu tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng hơn 1,1 triệu tấn, lượng đường tăng 146.389 tấn.
Lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15/4 là 680.969 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 37.292 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/3-15/4 là 219.424 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 70.817 tấn.
Đáng chú ý, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có thuế Giá trị gia tăng) tại các nhà máy ở miền Bắc chỉ dao động từ 11.000 - 12.000đ/kg; miền Trung Tây Nguyên dao động từ 10.500 – 11.000đ/kg; miền Nam dao động từ 11.200 - 11.800đ/kg. So với cùng kỳ năm trước, giá đường năm nay giảm mạnh khoảng 5.000 - 5.500đ/kg (cùng kỳ năm ngoái giá đường 15.500 - 17.000đ/kg).
Liên quan tới vấn đề đường tồn kho tăng cao và giá giảm mạnh, thời gian qua, nhiều lần ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nhấn mạnh: Lượng đường tồn kho từ niên vụ trước chưa tiêu thụ hết đã có thêm đường mới sản xuất ra. Ngành mía đường đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Thậm chí, do sự cạnh tranh gay gắt, nhiều nhà máy chấp nhận bán đường dưới giá thành song "ế vẫn hoàn ế". Tình cảnh đó khiến có những nhà máy phải tạm ngừng sản xuất.