Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt hơn 4,8 triệu tấn, tương đương gần 630 triệu USD trong tháng 12/2023, giảm 3,2% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với tháng trước đó.
Tính chung cả năm 2023, nhập khẩu than các loại đạt hơn 51,1 triệu tấn, trị giá hơn 7,1 tỷ USD, tăng mạnh 61,4% về lượng, tăng 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu bình quân ghi nhận giảm kỷ lục, đạt 140,2 USD/tấn, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng chuyển đổi dòng chảy cung cấp than từ châu Âu sang châu Á đã bùng nổ trong năm 2023, sau khi châu Âu dừng mua hàng vì các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và kéo theo sản lượng nhập khẩu tăng vọt.
Vì giá giảm sâu, Việt Nam đang tích cực nhập khẩu mặt hàng này từ Nga. Cụ thể, nhập khẩu than các loại từ Nga đạt 292.425 tấn với kim ngạch hơn 61 triệu USD, tăng 90,6% về lượng và tăng 87% về kim ngạch so với tháng 12/2023. Lũy kế 12 tháng, nhập khẩu mặt hàng này từ xứ sở bạch dương đạt hơn 4,3 triệu tấn với kim ngạch hơn 847,5 triệu USD, tăng mạnh 96,7% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 194 USD/tấn, giảm mạnh 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Về sản lượng than đá của Nga, số liệu từ Statista cho biết sản lượng than các loại của Nga đạt 443,6 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2021, giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu than lớn thứ 3 trên thế giới. Mức sản lượng này gấp gần 15 lần so với sản lượng than tự sản xuất của Việt Nam trong năm 2022 với hơn 30 tấn.
Thậm chí, Nga có đủ trữ lượng than để sử dụng trong nhiều thế kỷ - RT dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Sergey Mochalnikov cho biết trong cuộc họp của Cơ quan Quản lý Tài nguyên dưới lòng đất Liên bang Nga.
Ông Mochalnikov nói, khi tính đến cả nguồn than trong lòng đất đã khai thác và chưa khai thác, Nga có đủ than để dùng trong vòng 300 năm.
“Về than đá , chúng tôi có trữ lượng đã được thăm dò đủ dùng hơn 100 năm, và nếu sử dụng hết số này, chúng tôi vẫn còn trữ lượng chưa khai thác đủ dùng trong 200 năm nữa hoặc hơn".
Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, Nga ngày càng tăng cường vận chuyển than đến các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng than nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh, từ mức 6,9 triệu tấn của năm 2015 đã tăng lên mức “đỉnh” trên 54 triệu tấn vào năm 2020. Bộ Công Thương cũng đã ban hành phê duyệt về biểu đồ cấp than cho sản xuất điện 2024. Theo đó, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phải thu xếp hơn 74,3 triệu tấn than cho sản xuất điện năm 2024. Trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng than nhập khẩu khoảng 26 triệu tấn. Các loại than cấp cho từng nhà máy thực hiện theo hợp đồng mua bán than năm 2024.