Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ ban hành.
Gia hạn nộp 5 tháng các khoản thuế hơn 30.000 tỷ đồng
Cụ thể, trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật, trong trường hợp việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu NSNN đã được Quốc hội quyết định, thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính dự thảo nghị định để trình Chính phủ ban hành, dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất áp dụng cho 3 nhóm đối tượng cụ thể.
Nhóm đối tượng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế: vận tải đường sắt, vận tải đường bộ, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Bộ Tài chính cho biết, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp của tháng 3,4,5 và 6 năm nay kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế này theo quy định hiện hành.
Tổng số tiền gia hạn nộp thuế được tính khoảng 30.000 tỷ đồng, theo Bộ Tài chính trong thời hạn đóng thuế định kỳ, có thể ngân sách giảm thu. Tuy nhiên, cuối cùng do doanh nghiệp, người dân nộp đúng, đủ và cân đối ngân sách, nên thu ngân sách sẽ đạt mục tiêu.
Ngân hàng thương mại có cần được giãn thuế?
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại cuộc họp báo trong tuần vừa qua Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, trong thời gian qua và trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng rất tích cực, chủ động và có trách nhiệm đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như việc cơ cấu lại nợ như giãn giảm lãi vay, tái cơ cấu nợ là giải pháp thiết thực nhất, cấp thiết nhất đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đây là những chia sẻ rất lớn của ngành ngân hàng với các doanh nghiệp. Điều này cũng đặt "gánh nặng" lên vai các ngân hàng thương mại.
Theo đánh giá sơ bộ, 926.000 tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng dư nợ. Trong thời gian qua, NHNN cũng đã nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các hiệp hội cà phê, Vietjet, hiệp hội da dày, cơ sở giáo dục công lập... đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu nợ cho 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Thực hiện miễn giảm lãi thực sự đối với 8.000 khách hàng, với dư nợ trên 350 tỷ. 185.000 tỷ dư nợ đang được xem xét miễn giảm lãi vay và cho vay mới với doanh số dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.
"Tổ chức tín dụng tích cực, trách nhiệm với doanh nghiệp như thế và bản thân cũng là doanh nghiệp nên cũng cần được hưởng chế độ chung như các doanh nghiệp khác. Việc giãn thuế cho các TCTD, tôi cho rằng đó là sự khách quan đồng thời sẽ là cơ sở để hỗ trợ thêm cho các TCTD, tạo dư địa lớn hơn cho các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19", ông Tú nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS.Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Bộ Tài chính nên xem xét giãn thuế, giảm thuế cho các ngân hàng thương mại bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp họ cũng cần phải có lãi để tồn tại, có tiền để "giải cứu" doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi Covid-19.
Ngược lại, TS. Nguyễn Đức Độ - Viện phó Viện kinh tế - Tài chính IEF thì cho rằng, do nguồn lực ngân sách hiện nay còn hạn chế nên chúng ta cần phải tập trung nguồn lực này cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19. Vì vậy, Bộ Tài chính chưa xem xét đến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp hay chưa tính đến việc gia hạn thời gian nộp thuế cho các Tổ chức tín dụng.
Về lâu dài, nếu như dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngân hàng bị tác động và ảnh hưởng mạnh tới kết quả kinh doanh thì lúc đó có thể tính đến việc hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại thông qua chính sách này cũng chưa muộn.
Tính đến ngày 15/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu là 152.428 trường hợp. Theo người phát ngôn WHO Fadela Chaib, trong số này có 5.720 trường hợp tử vong và tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ có ca mắc bệnh đã lên tới 141. Tại Việt Nam, 22h ngày 15/3, Bộ Y tế thông báo về ca bệnh Covid-19 thứ 57 tại Việt Nam. Đây là một khách nước ngoài, quốc tịch Anh, bay trên chuyến bay VN0054 đến Hà Nội ngày 9/3 cùng bệnh nhân số 46, tiếp viên Vietnam Airlines. Trong số 41 bệnh nhân mắc Covid-19 (SARs-CoV-2) đang được điều trị tại Việt Nam có 17 người nước ngoài. |