Bất chấp sự bùng nổ của hàng loạt hàng hoá, các công ty khai thác vẫn không chi tiền vào các dự án mới, làm dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt một số kim loại trong tương lai gần.
Những nguyên liệu được gọi là "kim loại công nghệ" như coban, đồng, lithium sẽ bị thâm hụt đặc biệt lớn trong bối cảnh nhu cầu tăng cao từ các nhà sản xuất pin, ô tô điện và tua bin gió, các nhà phân tích cho biết. Họ cho rằng hạn chế về nguồn cung có thể làm chậm kế hoạch giảm phát thải của các quốc gia.
Nhiều mặt hàng đã đạt mức giá kỷ lục trong năm nay khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau Covid-19, các chính phủ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Ví dụ giá đồng, được sử dụng trong ngành xây dựng và vật liệu dẫn điện, đã tăng gần gấp đôi trong 12 tháng qua, lên mức kỷ lục 10.762 USD/tấn vào đầu tháng này.
Tiền đầu tư cho dự án mới của các hãng khai thác vẫn ở mức thấp so với năm 2021 trong khi tỷ lệ chi trả cổ tức tăng mạnh.
Các công ty khai thác khá hạn chế đầu tư vào các dự án mới trong những năm gần đây bởi các nhà đầu tư của họ muốn nhận cổ tức cao hơn sau khi chứng kiến họ đốt tiền trong những đợt tăng giá hàng hoá trước. Sự do dự này làm tăng nỗi lo về nguồn cung.
"Chúng tôi bắt đầu thấy một số điểm hạn chế trong việc khai thác các loại kim loại truyền dẫn năng lượng như nhóm đồng, bạch kim. Có rất ít nguồn cung mới sẵn sàng lấp đầy các khoảng trống", Stephen Pearce – Giám đốc tài chính của Anglo American PLC cho biết.
"Bạn phải liên tục tái đầu tư để tiếp tục lấp đầy các khu tài nguyên và phải mất nhiều năm để khai thác các mỏ mới", ông nói thêm. Anglo là một trong những công ty chi tiêu nhiều nhất cho các dự án mới trong những năm gần đây.
Mặc dù vậy, nhìn chung chi tiêu cho toàn ngành không theo kịp nhu cầu và sẽ dẫn thiếu hụt, các nhà phân tích cho biết. Vốn đầu tư cho dự án mới của các công ty khai thác lớn dự kiến giảm 6% trong năm nay. Với các công ty đồng, con số này lên đến 10%. Trong khi đó, tổng nhu cầu về đồng được dự báo sẽ tăng 40% vào năm 2030, theo Goldman Sachs. Nguồn cung đồng có thể thiếu hụt 8,2 triệu tấn. Ngay cả khi giá đồng tăng mạnh trong 12 tháng qua, không có mỏ mới nào được chấp thuận khai thác.
Với giá kim loại hiện nay, Rio Tito PLC, BHP Group, Anglo American và Glencore PLC có thể tạo ra doanh thu 140 tỷ USD trước lãi, thuế và khấu hao, theo Ngân hàng Hoàng gia Canada. Năm 2015, khi giá kim loại ở mức gần như thấp nhất, các ông lớn này chỉ thu về 44 tỷ USD. Chắc chắn đã có những đầu tư vào một số lĩnh vực khai thác, đặc biệt là quặng sắt. Tuy nhiên, trọng tâm của các công ty khai thác vẫn là trả lại tiền mặt cho các nhà đầu tư.
Theo ngân hàng đầu tư Liberum, chi tiêu, bao gồm cả chi cho sản xuất hiện tại và tương lai của 45 công ty khai thác lớn nhất đã đã tăng 30%, lên 75 tỷ USD vào năm 2020 trong khi cổ tức tăng gần gấp đôi lên 66,1 tỷ USD. Liberum cho biết chi tiêu của các công ty này thấp hơn 1/3 so với năm 2012 (cuối đợt tăng giá hàng hoá gần nhất), trong khi cổ tức cao hơn 125%.
Mức chi tiêu của các hãng khai thác lớn trong năm 2020.
Các công ty khai thác đang ưu tiên trả lại nhiều tiền hơn cho nhà đầu tư sau khi đã bội chi vào các dự án mới, các vụ sáp nhập trong đợt tăng giá trước đây. Khi đó, không ít nhà đầu tư đã rời bỏ lĩnh vực này khiến một số công ty khai thác phá sản còn nhiều vị Giám đốc điều hành bị mất việc làm. "Các nhà đầu tư vẫn rất nhớ chu kỳ tăng giá gần nhất khi các nhà khai thác đổ tiền quá nhiều vào dự án mới", Robert Crayfourd – người đầu tư vào các hãng khai thác quặng tại quỹ CQS New City Investment Managers cho biết. "Vấn đề ở đây là, có thể họ đang quá thận trọng". Một số nhà khai thác thừa nhận họ không có đủ tiền mặt để chi cho các dự án mới.
Mark Bristow - CEO của Barrick Gold Corp gần đây phàn nàn về việc nhà đầu tư kêu gọi trả cổ tức đồng nghĩa ngành công nghiệp này đang thiếu vốn để tái đầu tư. Trong khi đó, giá hàng hoá vẫn tăng còn các nhà phân tích kỳ vọng hãng khai thác đầu tư nhiều hơn vào dự án mới. Phải mất 10-15 năm để phát triển một dự án mới. Họ lo ngại sự thiếu hụt trong tương lai có thể ảnh hưởng đến nỗ lực giảm phát thải carbon của các chính phủ.
Tham khảo nguồn: WSJ