Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hạt điều trong nửa đầu tháng 8/2019 đạt 21,5 nghìn tấn, trị giá 146,2 triệu USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với nửa đầu tháng 7/2019, so với nửa đầu tháng 8/2018 tăng 42,8% về lượng và tăng 14% về trị giá. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 8/2019, xuất khẩu hạt điều đạt 261,2 nghìn tấn, trị giá 1,936 tỷ USD, tăng 17,6% về lượng, nhưng giảm 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều trong nửa đầu tháng 8/2019 đạt mức 6.812 USD/tấn, giảm 0,8% so với nửa đầu tháng 7/2019 và giảm 20,2% so với nửa đầu tháng 8/2018. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 8/2019, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 7.415 USD/tấn, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu năm 2018 đạt 9,94 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 13,48 tỷ USD vào năm 2024, ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,2% trong giai đoạn 2018 - 2024. Trong đó, nhu cầu hạt điều từ các nước châu Âu và nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến ở châu Phi sẽ tăng lên.
Hạt điều đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới nhờ hương vị thơm ngon và là thực phẩm có ích đối với sức khỏe. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh cho thấy nguy cơ mắc bệnh động mạch vành có thể thấp hơn 37% ở những người tiêu thụ các sản phẩm từ hạt trên bốn lần một tuần so với những người không bao giờ hoặc hiếm khi ăn hạt.
Như vậy, hạt điều có thể sẽ được sử dụng nhiều hơn trong sản xuất đồ ăn nhẹ, một sự thay thế lành mạnh cho các thanh sô cô la có hàm lượng calo cao. Trong thời gian gần đây, sữa hạt điều cũng trở nên phổ biến như là một chất thay thế sữa không có đường. Do đó, hạt điều được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thay thế sữa, như sữa hạt điều, phô mai dựa trên hạt điều, nước sốt kem làm từ hạt điều và kem chua.