Thông tin tại Hội nghị Thường niên lần thứ 45 của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ở Sri Lanka cho biết, ước thu hoạch hồ tiêu năm 2018 khoảng 570.000 tấn, tồn kho gối vụ mang sang khoảng 100.000 tấn nữa. Đặc biệt nhiều nước chưa phải là thành viên của tổ chức IPC như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan có sản lượng tăng rất nhanh, sớm trở thành đối thủ của các nước láng giềng là thành viên. Tuy nhiên, đáng kể nhất là xuất khẩu của Brasil năm 2017 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2016 và vẫn còn tăng mạnh hơn trong năm 2018, sẽ là đối thủ tiềm năng của ngành hồ tiêu Việt Nam.
Trong khi đó, Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) vẫn rất lạc quan khi nhận định rằng, về dài hạn sản lượng hồ tiêu của toàn thế giới cần phải tăng thêm mới đáp ứng được nhu cầu.
Hôm thứ Năm ngày 05/04, giá tiêu Ấn Độ trên sàn NCDEX – Kochi sau khi tăng 320 Rupi trong phiên trước, đã điều chỉnh giảm nhẹ. Hợp đồng giao tháng Tư giảm 85 Rupi xuống ở mức 40.620 Rupi/tạ (tương đương 6.245 USD/tấn), trong khi hợp đồng giao tháng Năm giảm 90 Rupi xuống ở mức 40.820 Rupi/tạ (tương đương 6.276 USD/tấn), giá vẫn ổn định so với một tuần trước đó.
Giá hạt tiêu giao ngay cũng ổn định ở mức 38.600 Rupi/tạ (tương đương 5.935 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 40.600 Rupi/tạ (tương đương 6.242 USD/tấn) cho loại tiêu chọn. Tuy nhiên giá lại giảm xấp xỉ 10 USD/tấn so với một tuần trước đó do tỷ giá đồng Rupi mạnh lên so với USD.
Trên thị trường quốc tế, giá tiêu Brasil là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với giá tiêu Việt Nam hiện nay được báo cáo không có sự thay đổi do Brasil cũng cạn hàng. Đáng lưu ý là người Brasil chưa có ý tồn trữ hạt tiêu sau vụ thu hoạch do sản lượng của từng nông hộ cũng chưa được nhiều. Giá tiêu Indonesia, Malaysia cũng ổn định. Trái lại, giá tiêu đen Việt Nam được chào bán giảm bình quân 200 USD/tấn so với tuần trước.
Trong khi giá tiêu tại thị trường nội địa Việt Nam đã tăng bình quân 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Nhưng vẫn còn giảm 15.000 đồng/kg so với mức giá của ngày đầu bước vào năm 2018.
Theo các Thương nhân xuất khẩu hạt tiêu đóng ở phía Nam, giá tiêu thế giới có chút khởi sắc trong ngắn hạn do nguồn cung Brasil khô cạn khi vụ thu hoạch đã hoàn tất. Vụ mùa của Ấn Độ đang thu hoạch sẽ không đạt như đã dự báo vì thời tiết ở 2 bang trồng tiêu chính là Karnakata và Kerala không thuận lợi. Dự kiến sản lượng toàn Ấn Độ vụ mùa năm nay giảm khoảng 10.000 – 15.000 tấn xuống chỉ đạt 60.000 tấn so với ước báo ban đầu. Cho dù sản lượng vụ mùa Việt Nam hiện chi phối nguồn cung hạt tiêu toàn thế giới nhưng khối lượng hạt tiêu dự trữ của các nhà xuất khẩu cũng khá dồi dào, đủ để thực hiện các hợp đồng ngắn hạn.
Chia sẻ với các đại lý, các công ty nội địa cung ứng hàng, các nhà xuất khẩu hạt tiêu cho biết họ rất muốn giá tiêu khả quan hơn. Do phải đáp ứng nhu cầu ổn định của khách hàng nên họ thường tồn trữ một khối lượng hàng nhất định và do đó, không loại trừ họ phải mua sớm với giá cao đầu vụ để giao với giá thấp giữa vụ. Rõ ràng không một nhà xuất khẩu nào muốn thị trường biến động giảm như thời gian vừa qua.
Các nhà xuất khẩu dự kiến Brasil sẽ vào thu hoạch vụ mùa mới năm nay trong khoảng tháng 9, 10, 11 sắp tới, chắc chắn sức ép về giá sẽ gia tăng trở lại và khả năng sẽ còn xấu hơn năm nay. Trong khi đó nguồn cung sản lượng tăng của Campuchia, Indonesia cũng góp phần gia tăng sức ép về giá, không biết tương lai chu kỳ giảm lần thứ Tư này của giá tiêu sẽ khi nào kết thúc.