Với mức 48.500 đồng/kg, hiện giá tiêu đã giảm 25% so với mức cao hồi đầu năm và giảm 31% so với cùng thời điểm này năm trước.
Theo các đơn vị chức năng, mức giá này các hộ sản xuất tiêu ở Tây Nguyên chưa có lãi thậm chí lỗ, vì giá thành sản xuất 1 kg tiêu đen ở khu vực Tây Nguyên đã tăng lên 45.000 – 47.000 đồng/kg do đầu tư tăng vào công chăm sóc, tưới nước, bón phân, thuốc trừ sâu đến công thu hoạch…
Một trong những nguyên nhân kéo giá tiêu trong nước giảm do thị trường và giá xuất khẩu ảm đạm. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu trong 15 ngày đầu tháng 7/2018 đạt 10,4 nghìn tấn, trị giá 32 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và 8,3% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 6, giá xuất bình quân 3.069,1 USD/tấn, giảm 2,7%. Nếu so với cùng kỳ tháng 7/2017, hoạt động xuất khẩu hạt tiêu có lượng tăng 8,4% nhưng trị giá giảm 27% và giá xuất bình quân giảm 32,6%.
Trước đó, 6 tháng đầu năm 2018 giá xuất bình quân giảm tới 61% so với cùng kỳ 2017 còn 3.430 USD/tấn. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực hạt tiêu của Việt Nam, chiếm 17,8% tổng lượng nhóm hàng đạt 23,5 nghìn tấn, trị giá 86,9 triệu USD, tăng 7,71% về lượng nhưng giảm 36,46% trị giá, giá xuất bình quân giảm 41,01% xuống 3.690,67 USD/tấn.
Mặc dù là quốc gia tiêu thụ tiêu lớn nhất trên thế giới, nước sản xuất lớn thứ hai sau Việt Nam, nhưng 6 tháng đầu năm 2018 Ấn Độ cũng phải nhập hạt tiêu từ Việt Nam một lượng khá lớn, chỉ đứng thứ hai sau thị trường Mỹ, chiếm 8,8% đạt 11,6 nghìn tấn; 39,2 triệu USD, tăng 58,44% về lượng, nhưng giảm 2,16% trị giá, giá xuất bình quân giảm 2,16% xuống 3.372,18 USD/tấn.
Nhìn chung, nửa đầu năm 2018 giá xuất bình quân sang các thị trường đều sụt giảm, giảm mạnh nhất là Pháp 47,04% còn 3.659,13 USD/tấn, kế đến là Bỉ 45,58% còn 4.356,85 USD/tấn và Singapore 45,3% xuống 3.377,76 USD/tấn.
Đáng chú ý, xuất sang thị trường Nhật Bản có giá đắt hơn cả, đạt 5.0544,47 USD/tấn, ngoài ra xuất sang các thị trường như: Anh, Hà Lan, Australia và Bỉ đều có giá đạt trên 4.000 USD/tấn.
Lượng tiêu và giá xuất bình quân sang TOP 10 thị trường chủ lực trong nửa đầu năm 2018
Ngoài ra, giá tiêu trên thị trường thế giới giảm do nguồn cung dồi dào cũng kéo giá tiêu trong nước giảm theo. Việt Nam và Brazil lượng tồn kho vẫn còn nhiều từ vụ thu hoạch trước, trong khi đó sức ép từ Indonesia và Malasyia khá lớn khi hai nước này bắt đầu thu hoạch vụ mới ngay trong tháng 7 và tháng 8. Đồng thời, các thương nhân xuất khẩu chưa đặt hàng cung ứng mới cho các hợp đồng tháng 8, trong khi các hợp đồng tháng 7 gần như đã hoàn tất. Bên cạnh đó, một số kho hạt tiêu có hiện tượng xả hàng đầu cơ do sức tăng không như kỳ vọng; lãi suất vốn vay bắt đầu trở thành gánh nặng nên cần thu hồi, chuyển đổi đầu tư.
Với những nguyên nhân nêu trên, từ nay đến cuối năm giá tiêu khó có cơ hội hồi phục trở lại.