Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sụt giảm liên tiếp trong 6 tháng gần đây (tháng 4/2018 giảm 19,3%, tháng 5 giảm 12,2%, tháng 6 giảm 6,2%, tháng 7 giảm 6,1%, tháng 8 giảm 1,7%), đến tháng 9/2018 tiếp tục giảm 22% cả về lượng và kim ngạch, đạt 17.481 tấn, tương đương 50,65 triệu USD.
Giá hạt tiêu xuất khẩu cũng liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay (tháng 6 giảm 1,6%, tháng 7 giảm 2,9%, tháng 8 giảm 5,5% và tháng 9 giảm 2,3%, còn 2.897,6 USD/tấn). Nếu so với giá xuất khẩu các tháng của năm 2017 thì sụt giảm rất mạnh 30 – 40%/tháng.
Tính trung bình trong cả 9 tháng đầu năm 2018, giá hạt tiêu xuất khẩu giảm mạnh 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.290,2 USD/tấn. Lượng hạt tiêu xuất khẩu tuy tăng nhẹ 6,4% so với cùng kỳ, đạt 192.902 tấn, nhưng kim ngạch giảm mạnh 34,4%, đạt 634,68 triệu USD.
Hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Đông Nam Á, Pakistan. Trong đó, Hoa Kỳ đứng đầu về tiêu thụ hạt tiêu của Việt Nam, chiếm 17,7% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước và chiếm 19% trong tổng kim ngạch, đạt 34.179 tấn, trị giá 120,86 triệu USD (tăng 7,2% về lượng nhưng giảm 35,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017). Giá hạt tiêu xuất sang Hoa Kỳ giảm mạnh 39,6%, chỉ đạt 3.536,2 USD/tấn.
Xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường
Thị trường EU chiếm 11,6% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch, đạt 22.427 tấn, tương đương 86,87 triệu USD, tăng 5,6% về lượng nhưng giảm 34,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng hạt tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ tuy tăng trưởng rất mạnh 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 16.968 tấn nhưng do giá xuất khẩu giảm mạnh trên 37%, chỉ đạt 3,164 USD/tấn, nên kim ngạch cũng giảm 18%, đạt 53,69 triệu USD, chiếm gần 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước.
Hạt tiêu xuất sang các nước Đông Nam Á chiếm gần 6% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước, đạt 10.828 tấn, tương đương 36,87 triệu USD, tăng 23,4% về lượng nhưng giảm 23,9% về kim ngạch, giá xuất khẩu cũng giảm 38,4%, đạt trung bình 3.405 USD/tấn.
Xuất khẩu sang thị trường Pakistan chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước, với 8.828 tấn, trị giá 27,86 triệu USD, tăng 17,7% về lượng nhưng giảm 29,5% về kim ngạch. Giá xuất khẩu giảm mạnh trên 40% so với cùng kỳ, đạt 3.156,4 USD/tấn.
Giá hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu (nghìn USD/tấn)
Trong 9 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu hạt tiêu sang tất cả các thị trường đều bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái từ 30 – 45%. Vì vậy, có những thị trường lượng xuất khẩu tăng mạnh nhưng kim ngạch vẫn sụt giảm mạnh như: Pháp tăng 29,5% về lượng nhưng giảm 26% về kim ngạch, đạt 2.232 tấn, tương đương 7,67 triệu USD; Nhật Bản tăng 27,3% về lượng nhưng giảm 26,5% về kim ngạch, đạt 2.268 tấn, tương đương 11 triệu USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang Singapore và Ba Lan mặc dù giá giảm mạnh nhưng lượng và kim ngạch vẫn tăng. Cụ thể, xuất sang Ba Lan đạt 1.534 tấn, tăng 96,9%, kim ngạch 5,22 triệu USD, tăng 24,7%, giá 3.399,8 USD/tấn, giảm 36,7%; xuất Singapore đạt 1.685 tấn, tăng 116%, kim ngạch 5,52 triệu USD, tăng 22%, giá 3.275,5 USD/tấn, giảm 43,5%.
Ngược lại, các thị trường sụt giảm rất mạnh cả về giá, lượng và kim ngạch gồm có: Thổ Nhĩ Kỳ giảm 37,3% về giá, giảm 38,6%, về lượng và giảm 61,5% về kim ngạch; U.A.E giảm 38,9% về giá, giảm 33,4%, về lượng và giảm 59,3% về kim ngạch; Bỉ giảm 45,2% về giá, giảm 23,2%, về lượng và giảm 57,9% về kim ngạch; Tây Ban Nha giảm 38% về giá, giảm 24,7%, về lượng và giảm 53,3% về kim ngạch.