Giá xuất khẩu giảm mạnh
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, mặc dù lượng hạt tiêu xuất khẩu của nước ta trong 11 tháng đầu năm 2017 tăng 20,3% so với cùng kỳ, đạt 202.873 tấn, nhưng giá trị thu về lại giảm tới 21,5%, chỉ đạt 1,07 tỷ USD, do giá hạt tiêu xuất khẩu giảm mạnh 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt mức 5.258 USD/tấn.
Riêng trong tháng 11/2017 giá xuất khẩu cũng tiếp tục giảm 1,6% so với tháng 10, và giảm mạnh 38,5% so với cùng tháng năm 2016, đạt trung bình 4.540 USD/tấn.
Giá hạt tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ - thị trường hàng đầu về tiêu thụ hạt tiêu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay cũng sụt giảm tới 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 5.736 USD/tấn. Lượng hạt tiêu xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm 3,5% và kim ngạch giảm 36% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 36.500 tấn, tương đương 209,36 triệu USD, chiếm 18% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước và chiếm 19,6% trong tổng kim ngạch.
Giá hạt tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ - thị trường lớn thứ 2 cũng giảm mạnh 35,7% so với cùng kỳ, đạt 4.929 USD/tấn; do giá xuất khẩu rẻ nên mặc dù lượng xuất sang Ấn Độ tăng trên 42%, nhưng trị giá thu về lại giảm 8,6%, đạt 14.692 tấn, trị giá 72,41 triệu USD, chiếm 7,2% trong tổng lượng và chiếm 6,8% trong tổng kim ngạch.
Hạt tiêu xuất khẩu sang Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - thị trường lớn thứ 3, giá cũng giảm mạnh 35,3% so với cùng kỳ, đạt 4.770 USD/tấn; lượng xuất khẩu tăng nhẹ 2,9% so với cùng kỳ, nhưng trị giá lại giảm mạnh 33,5%, đạt 12.686 tấn, tương đương 60,52 triệu USD.
Hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU nói chung chiếm 12% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước và chiếm 14% trong tổng kim ngạch, đạt 24.458 tấn, trị giá 149,75 triệu USD, giảm 4,3% về lượng và giảm 34,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á nói chung chỉ chiếm 5% trong tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của cả nước và cũng giảm mạnh 22% về lượng và giảm 50% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Năm nay giá hạt tiêu xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều sụt giảm so với năm ngoái; trong đó các thị trường xuất được với mức giá cao gồm có: Nhật Bản 7.970 USD/tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ; Bỉ 7.479 USD/tấn, giảm 19%; Thái Lan 6.512 USD/tấn, giảm 33%; Hà Lan 6.370 USD/tấn, giảm 30%; Anh 6.631 USD/tấn, giảm 28%.
Ngược lại, các thị trường xuất khẩu hạt tiêu ở mức giá rẻ như: Philipines 4.084 USD/tấn, giảm 47%; Thổ Nhĩ Kỳ 4.390 USD/tấn, giảm 33% và Ai Cập 4.438 USD/tấn, giảm 38%;
Thị trường đáng chú ý nhất trong 11 tháng đầu năm nay là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, do giá xuất khẩu ở mức gần thấp nhất thị trường, nên lượng xuất khẩu tăng rất mạnh, tăng 92% về lượng và tăng 28% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái
Giá hạt tiêu trong nước giảm mạnh
Trong tháng 12/2017 giá hạt tiêu tiếp tục giảm so với tháng 11. Tại Đắc Lắc, Đắc Nông, Bà Rịa Vũng Tàu và Đồng Nai giá chỉ còn 71.000 – 72.000 đ/kg, giảm 5.000 đ/kg so với tháng 10/2017 và giảm mạnh 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá hạt tiêu tại Gia Lai giảm mạnh nhất 6.000 đ/kg, xuống mức 70.000 đ/kg. Nguyên nhân giá giảm, do lượng hạt tiêu tồn kho từ vụ trước còn khá nhiều.
Năm 2018 không mấy lạc quan
Giá hạt tiêu trong nước vào cuối năm 2017 giảm gần 50% so với cuối năm 2016, do diện tích hạt tiêu trên cả nước vượt quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu trong khi nhu cầu thị trường hạn hẹp.
Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam gặp khó, do phải cạnh tranh mạnh với hạt tiêu Brazil. Năm nay, sản lượng tiêu Brazil tăng mạnh, ước tăng thêm 20.000-30.000 tấn so với năm 2016, giá hạt tiêu Brazil rẻ hơn hạt tiêu Việt Nam, giá chỉ khoảng 80.000 đ/kg; hơn nữa phương thức giao hàng nhanh, hạt tiêu không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Dự báo, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục tăng mạnh và có khả năng vượt mức 200.000 tấn đã đạt được trong năm 2017. Bên cạnh đó, sản lượng hạt tiêu của các nước Brazil, Campuchia, Ấn Độ… cũng tăng, khiến cho nguồn cung trên thế giới tăng cao.
Vì thế, giá tiêu trong năm 2018 được dự báo vẫn ở mức thấp cho tới đến khi nào diện tích, sản lượng tiêu Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung giảm xuống, thì giá tiêu mới có thể tăng.