Bộ NN&PTNT vừa khuyến nghị các doanh nghiệp đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg. Đề nghị này nhận được nhiều ý kiến phản biện từ doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi. Tuy nhiên, khi nguồn cung trên thị trường còn hạn chế, cầu vẫn tăng thì giá bán chưa thể giảm ngay được. Thực tế, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam vẫn tăng cao bất chấp chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Giá heo hơi hôm nay tại các tỉnh miền Nam lại đảo chiều tăng.
Tại thủ phủ chăn nuôi của miền Nam mấy ngày qua, giá heo hơi bất ngờ tăng trở lại. Nhiều chủ trại tại Đồng Nai cho biết, hiện giá heo hơi tại chuồng đang ở mức bình quân 80.000 - 82.000 đồng/kg và rất có thể sẽ vượt mức 82.000 đồng/kg trong vài ngày tới.
Trong khi đó tại miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay chưa có dấu hiệu giảm, dao động phổ biến từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, tương đương mức giá lợn hơi miền Bắc những ngày cận tết. Điều đáng nói là giá lợn hơi tăng cao, song vẫn không có đủ hàng cho thương lái thu mua.
Tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), chủ hộ nuôi heo Trần Hữu Trung cho biết, giá heo hơi ngày 14/3 tại địa phương có tăng nhẹ so với những ngày trước. Tỷ lệ nông hộ tái đàn thành công chưa cao nên lượng heo thiếu nhiều.
Nhiều người cho rằng giá tăng là do thị trường Trung Quốc tăng cường thu mua trở lại. Nhưng ông Trung lại không ủng hộ lý do này. Ông cho rằng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên người, và cả một số dịch bệnh trên vật nuôi đang diễn biến phức tạp. Các nước vẫn đang siết chặt nhập thịt chính ngạch lẫn tiểu ngạch vì lo ngại mang dịch về sống ký sinh, gây hại đàn heo.
Cũng theo ông Trung, cứ khi giá heo hơi tăng, lỗi lầm lại tiếp tục đổ lên đầu thương lái là tầng lớp trung gian hưởng lợi. Nhưng thực tế lượng heo thịt trong dân bây giờ không còn được bao nhiêu nữa. Nhiều thương lái hiện phải đi tìm mua lại nguồn hàng từ các công ty để đưa ra lò mổ. Công ty đưa giá nào thì họ phải mua giá đó chứ không được tự do lựa chọn và ra giá như với heo của dân.
Giá heo vẫn đang ở mức cao khiến nhiều người muốn tái đàn nên giá heo giống cũng tăng cao, dao động từ 2-2,5 triệu/con loại 10-12 kg. Đàn heo nái bị dịch bệnh tấn công, không nhiều nông hộ còn tự sản xuất được heo con như trước, buộc họ phải mua con giống từ công ty.
Quầy thịt heo bị người tiêu dùng “quét sạch trơn” sau khi Bộ Y tế công bố thông tin Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19.
Trong lúc cả nước căng thẳng vì dịch Covid-19, việc giá heo hơi hôm nay tiếp tục tăng cao càng khiến thị trường thêm rối loạn, gây bất ổn cho xã hội. “Có hay không việc các công ty liên kết làm giá để hưởng lợi cũng cần các ngành chức năng làm rõ nguyên nhân, từ đó có giải pháp giữ bình ổn cho thị trường”, ông Trung đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: "Đánh giá số lượng heo phải nhìn trong bối cảnh chung. Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hơn 1 năm qua đã tàn phá đàn heo nái rất mạnh. Thiếu heo nái đưa ra thị trường nên việc tái đàn vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nay vẫn diễn tiến chậm. Heo thịt thiếu hụt so với trước dịch bệnh là đương nhiên".
Việc giá heo hơi tăng trở lại sau mấy ngày hạ nhiệt, có thể là do hệ lụy từ lượng tái đàn chưa đầy đủ. Tình trạng giá tăng đột biến những ngày qua nhiều khả năng bị cộng hưởng bởi các thông tin dịch bệnh Covid-19, mãi lực mua hàng tăng cao, gây thiếu hụt cục bộ.
Như tại TP.HCM, khi xuất hiện thông tin các ca dương tính với Covid-19 ở Hà Nội vừa qua, thị trường thịt heo cũng ghi nhận biến động nhất định. Chiều cuối tuần tại siêu thị Co.opXtra Thủ Đức, lượng thịt tại quầy thịt heo Meat Deli hết sạch ngay buổi sáng cùng ngày. Mặt hàng thịt gà ở Aeon Mall cũng vơi đi rất nhanh so với những cuối tuần thường lệ.
Các công ty chăn nuôi cho biết đàn heo luôn được tái đàn liên tục để đảm bảo thị trường không thiếu hàng.
Ngay sau đó, đại diện các siêu thị phải lên tiếng trấn an nguồn cung thịt heo ra thị trường từ các doanh nghiệp khá dồi dào. Các công ty Vissan, Cầu Tre, Sài Gòn Foods cho biết, họ luôn trong tư thế cấp tập chuẩn bị nguồn hàng lên mức tối đa để người tiêu dùng không lo thiếu hụt thực phẩm. Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P cũng khẳng định, heo của C.P luôn được tái đàn liên tục nên người dân không lo thiếu hàng.
Theo ông Nguyễn Trí Công, hiện dịch bệnh Covid-19 lẫn dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam còn phức tạp, sẽ có rất nhiều thông tin dễ gây những hoang mang cho cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng. Hiện, Hiệp hội này đang kêu gọi các công ty, các trại chăn nuôi tiếp tục kiểm soát dịch bệnh để cung ứng thật tốt sản phẩm cho thị trường; đồng thời không lợi dụng lý do khó khăn để tăng giá bán.
“Sự chung tay cùng người tiêu dùng lúc này là thiết thực. Chắc chắn người tiêu dùng sẽ luôn luôn ủng hộ ngành để chăn nuôi để phát triển”, ông Công đề nghị.