Giá heo hơi hôm nay 21/4: Ba miền tăng cao, sắp cán mốc lịch sử
Theo khảo sát của PV DANVIET.VN, giá heo hơi hôm nay 21/4 tại nhiều địa phương vẫn đang tăng không ngừng. Lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) đã tăng lên hơn 3.300 con/phiên, nhưng tỷ lệ heo có trọng lượng nhỏ xuất hiện nhiều hơn khiến sản lượng thịt bán ra vẫn trong cảnh thiếu hụt.
Trước đó, lượng heo hơi về chợ cũng chỉ dao động quanh mức 3.000-3.100 con nên các tiểu thương tiêu thụ rất nhanh, có hôm 10 giờ sáng đã dọn quầy. Đáng chú ý, giá heo mảnh tại 2 chợ đầu mối lớn Hóc Môn và Bình Điền đã tăng lên rất nhanh so với tuần trước, dao động từ 115.000 - 130.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 15.000 đồng/kg so với tuần trước.
Các tiểu thương ở chợ Hóc Môn cho biết, do lượng heo về chợ ít, khách hàng tranh nhau để mua mang về chợ lẻ xẻ ra bán sớm, khiến giá heo mảnh tăng nhanh. Cách đây ba hôm, heo mảnh tại đây có giá 105.000 – 115.000 đồng/kg, đầu tuần từ 95.000 đồng/kg - 120.000 đồng/kg.
Như vậy giá heo mảnh đã tăng trung bình 15.000 đồng/kg, còn giá heo hơi mua vào tại khu vực Đông Nam Bộ đã cao hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Giá heo hơi liên tục tăng cao khiến các tiểu thương ở chợ dân sinh không kịp trở tay, phải nhập heo mảnh ở lò mổ với giá cao, buôn bán gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Tiểu thương tại chợ Văn Quán (Hà Nội) cho biết lượng lợn tiêu thụ đã giảm một nửa so với năm ngoái. Ảnh: M.H
Anh Khởi, một người chăn nuôi ở Vĩnh Long cho biết, giá heo hơi hôm nay đã tăng lên 88.000-89.000 đồng/kg, trong khi tại Đồng Tháp, thương lái trả giá 88.000 đồng/kg mà nông dân vẫn đang chần chừ chưa muốn bán. Giá lên nhanh khi các thương lái ngoài Bắc vào lùng mua heo nhưng cũng không có nhiều heo lớn, phải lên Tây Nguyên tìm mua.
Hiện, giá heo hơi tại khu vực Tây Nguyên, miền Trung cũng đang tăng cao. Ví dụ như tại Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), bà con đã xuất chuồng với giá 88.000 đồng/kg; tại Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), một số trại heo cũng cân heo bán với giá 90.000-91.000 đồng/kg nhưng không có heo lớn.
Trao đổi với PV DANVIET, ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, HTX mới xuất bán đàn lợn với giá 87.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với đầu tháng 4.
"Vừa bán hôm trước thì hôm sau giá lại tăng vù vù, nhiều nơi ở miền Bắc đã nhảy vọt lên hơn 90.000 đồng/kg. Cứ đà này, giá lợn hơi rất có thể sẽ cán mốc lịch sử của năm 2019 khi có thời điểm đạt 96.000-100.000 đồng/kg. Mà tôi khẳng định, mức giá heo hơi hôm nay là có thật chứ không phải giá ảo hay ai đó dùng chiêu trò để đẩy giá lên. Bằng chứng là nguồn cung đang thiếu hụt. Một số khách hàng ở tận Bắc Ninh cũng gọi điện cho tôi hỏi có lợn không, rồi nài nỉ vào Hà Tĩnh để mua 200 con", ông Cảnh phân tích.
Theo ông Cảnh, tổng đàn heo ở Hà Tĩnh ước tính giảm tới 70% chứ không phải chỉ vài chục phần trăm như con số báo cáo; nhiều nông hộ không còn tái đàn lợn mà đã chuyển sang nghề khác, ước tính dân chỉ còn nuôi heo khoảng 20-25%; còn lại là các trại lớn chiếm thị phần, nhưng số trại lớn, doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đâu có nhiều, chỉ đếm trên lòng bàn tay.
Vì sao giá heo vẫn tăng bất chấp nỗ lực kìm giá của Chính phủ?
Trả lời câu hỏi tại sao các doanh nghiệp lớn đã hạ giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg, nhưng giá thịt heo trên thị trường vẫn rất cao (có loại lên tới 180.000 – 200.000 đồng/kg), và nhất là giá heo hơi trên thị trường không những không giảm, mà còn tăng ngược trở lại bất chấp các nỗ lực kìm giá của Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết bán giá 70.000 đồng/kg lợn hơi chỉ chiếm 36 – 40% thị phần thịt lợn. Còn lại hơn 60% thịt lợn vẫn đang ở chuồng của các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi.
Giá heo hơi hôm nay 21/4 thị trường 3 miền vẫn chưa hạ nhiệt, giá bán tại chuồng dao động từ 88.000-92.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: I.T
Thời gian qua, giá lợn hơi liên tục neo ở mức quá cao. Nếu các doanh nghiệp lớn không chung tay đồng hành cùng chính phủ để kiểm soát giá lợn, thì nền kinh tế xã hội sẽ bị tác động rất lớn. Theo ông Dương, tại Trung Quốc, giá lợn hơi giữ ở mức 130.000 – 140.000 đồng/kg gần 2 năm nay mà không kiểm soát được.
"Chính phủ và Bộ NN&PTNT kêu gọi các doanh nghiệp đưa giá lợn xuống dưới 70.000 đồng là hoàn toàn có căn cứ, không phải ép doanh nghiệp vào thế khó để đảm bảo tất cả các bên từ người chăn nuôi và người tiêu dùng đều có lợi trong điều kiện cả nước đang căng mình phòng, chống dịch Covid-19", ông Dương nói.
Ông Võ Việt Dũng – Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF Group), đơn vị chuyên giết mổ, chế biến thịt lợn cung ứng cho các chuỗi siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho biết, mặc dù 15 công ty chăn nuôi lớn cam kết bán giá lợn hơi 70.000 đồng/kg, tuy nhiên rất khó để mua lợn giá rẻ như vậy trên thị trường. Một tuần trở lại đây, phần lớn công ty phải mua lợn hơi với giá trên 85.000 đồng/kg.
Còn theo PGS. TS Phạm Kim Đăng - Trưởng Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), giá heo hơi hôm nay vẫn giữ ở mức cao ngay cả khi lệnh bình ổn giá của Chính phủ có hiệu lực từ 1/4 có nguyên nhân chính là mất cân đối cung - cầu. Nếu nguồn cung đủ hoặc dư thừa, thì giá thịt không thể giữ ở mức cao mãi được.
Mặc dù một số báo cáo khẳng định, sau dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn cả nước hiện còn khoảng 23 – 24 triệu con (ít hơn so với trước khi dịch tả lợn châu phi là 4-5 triệu con) nhưng theo ông Đăng, thực tế có thể ít hơn rất nhiều.
Ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi để lại vẫn rất nặng nề. Đặc biệt, các nông hộ gần như bị xoá sổ, ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn của một số doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại đối với đàn nái rất lớn, trong khi đàn nái là cơ sở quan trọng nhất để tái đàn.