Giá heo hơi hôm nay 6/5: Chỉ vài nơi tăng giá, dấu hiệu chững lại
Theo ghi nhận của PV, mặt bằng giá lợn hơi hôm nay trên địa bàn cả nước dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg. Xu hướng tăng chỉ còn xuất hiện ở vài tỉnh, còn lại hầu hết đứng giá.
Cụ thể, theo bảng giá của AnovaFeed, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc ghi nhận tăng ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang. Lợn hơi ở các tỉnh này hiện được thương lái thu mua với giá từ 91.000 - 92.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với hôm qua.
Tại Hưng Yên, giá lợn hơi hôm nay ổn định ở mức 92.000 đồng/kg; TP.Hà Nội trong khoảng 90.000 - 91.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất toàn miền Bắc ghi nhận được tại Bắc Giang, đạt 93.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại duy trì ở mức 90.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam có xu hướng ổn định hơn so với hôm qua, chỉ tăng ở khu vực Sóc Trăng, Bạc Liêu, từ 87.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg.
Thông tin đáng mừng là dù giá heo hơi vẫn đang ở mức cao, đẩy giá thịt heo mảnh bán buôn tại các chợ đầu mối đắt lên nhưng thương lái vẫn tiêu thụ thuận lợi. Thông tin từ chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) cho thấy, trong ngày 5/5 lượng heo hơi về chợ đạt 3.500 con.
Các tỉnh có tổng đàn heo lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long giá heo hơi hôm nay không đổi, dao động phổ biến từ 85.000 - 88.000 đồng/kg. Một số nơi tại miền Tâu vẫn duy trì mức giá cao 90.000 đồng/kg, như Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh... Ảnh minh hoạ: I.T
Dịch tả lợn châu Phi tái xuất, chủ trang trại "khủng" tiết lộ bí quyết phòng chống hiệu quả
Báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố, trong thời gian qua bệnh DTLCP tiếp tục xảy ra tại một số địa phương; trong đó có hiện tượng bệnh DTLCP tái phát một hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố (như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam...).
Theo nhận định của Bộ NNPTNT, nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện nuôi tái đàn lợn, tăng đàn lợn ngày càng gia tăng do giá lợn hơi đang rất hấp dẫn, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn, tính đến ngày 26/4, trên địa bàn tỉnh đã có 7 xã thuộc 5 huyện bị tái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi. Ngoài nỗi lo dịch bệnh, việc tái đàn của người chăn nuôi hiện nay cũng rất khó khăn do giá lợn giống rất cao, lên tới gần 200.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ dân không đủ khả năng mua con giống.
Thứ nữa, giá con giống cao nhưng lại thiếu nên muốn mua cũng không dễ. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, lợn giống được nhập về lên tới hàng chục ngàn con, còn đàn nái địa phương khoảng 10.800 con. Điểm yếu của nái địa phương là tỷ lệ đẻ thấp, chỉ đạt 14 con/năm, vì vậy Bắc Kạn vẫn đang thiếu khoảng 40.000 đến 50.000 con giống/năm.
Lợn trước khi xuất bán phải qua kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm an toàn dịch bệnh.
Để phòng chống hiệu quả dịch tả heo châu Phi, nhiều chủ trang trại lớn, có quy mô chăn nuôi "khủng" cho biết họ phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Ông Võ Bá Cang, chủ hệ thống trang trại heo Vĩnh Tân (Dầu Tiếng, Bình Dương) cho biết, với 5 trang trại heo, ông đang duy trì tổng đàn 2.900 con heo nái, 42.000 con heo thịt. Tại các trại nuôi của mình, ông Cang không chỉ làm trại kín mà còn đầu tư hệ thống nhà lưới để chống chim chóc, côn trùng, chuột bọ.
Các phương tiện vận chuyển heo phải sát trùng nhiều lần mới được vào trại. Xe chở cám cũng phải được sát khuẩn từ cách xa trại 3km. Việc quản lý con người cũng nghiêm ngặt không kém. Trước đây, nhân công vào trại chỉ phải cách ly 2 ngày, nay tăng lên 16 ngày. Trong đó có 14 ngày nhân công phải cách ly vì dịch Covid-19.
Còn ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thì cho biết, thực tế cho thấy cách li và vôi bột đang là 2 "phương thuốc" hiệu quả nhất đối với việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó vôi bột được ông rải trắng xoá khắp chuồng trại, lối đi và khu vực xung quanh trang trại rộng hơn 7ha.
Từ khâu thức ăn đầu vào, xe vận chuyển cám, xe chở lợn hay công nhân ra vào trại đều phải tuân thủ các công đoạn khử trùng. Riêng thức ăn, ôgn Cảnh chỉ mua của hãng sản xuất lớn, cập nhật ngày sản xuất, yêu cầu lô hàng không quá 10 ngày để đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm ngon. Đối với công nhân làm việc trong trại, ông Cảnh phân làm các khu vực riêng. Cụ thể, công nhân lợn nái chỉ chuyên sâu lợn nái, công nhân chăm sóc lợn sữa, lợn thịt cũng có bộ phận phụ trách riêng.
"Khi xuất bán lợn, chỉ có công nhân chuồng lợn thịt chịu trách nhiệm xuất bán, các khâu khác không tham gia. Tôi còn thuê 1 mảnh đất bên ngoài trại để chuyển lợn ra ngoài trại, sau đó xe của thương lái đến mua chỉ xem lợn bên ngoài. Để hạn chế tối đa tiếp xúc, chúng tôi cũng không bán lợn cho khách hàng nhỏ lẻ, chỉ bán cho xe lớn từ 50 con trở lên. Khi đến bắt lợn phải báo trước để khử trùng 2 lần", ông Cảnh cho biết.
"Nhờ áp dụng chặt chẽ, nghiêm túc các quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đồng thời tiêm phòng vaccine đầy đủ cho lợn nên 16 năm nay, trang trại lợn của tôi chưa từng bị dịch bệnh. Giá lợn hơi tại Hà Tĩnh hiện nay đang khoảng 88.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/con lợn", ông Cảnh chia sẻ thêm.