Quý 2 thu lãi lớn nhờ giá heo Việt Nam tăng mạnh, Giám đốc điều hành
Charoen Pokphand Foods PCL (CPF, C.P. Group) đã công bố doanh số bán hàng quý 2/2018 với mức tăng 8% so với cùng kỳ lên 136.353 tỷ Baht, trong đó đóng góp chủ yếu nhờ doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 16%. Ngược lại, doanh thu của CPF giảm 5% tại thị trường trong nước.
Hiện, hoạt động ở nước ngoài của CPF tại 16 quốc gia, chiếm 68% tổng doanh thu Công ty trong khi doanh số bán nội địa chiếm 27%. Được biết, 3 thị trường hàng đầu tạo ra doanh thu chính bao gồm Thái Lan (32%), Trung Quốc (26%) và Việt Nam (16%), chiếm 74% tổng doanh thu của CPF.
Trở lại với kết quả kinh doanh quý 2 của CPF, lợi nhuận ròng Công ty đạt lên 5.894 tỷ Bath, tăng 45% so với quý 2 năm ngoái và "nhảy vọt" 93% so với quý 1/2018. Theo CPF, lợi nhuận ròng được cải thiện phần lớn là nhờ kết quả hoạt động của Việt Nam đã trở lại trạng thái bình thường.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, CPF đạt tổng doanh thu gần 257 tỷ Baht (7,71 tỷ USD), tăng 5% và lợi nhuận 8,9 tỷ Baht (267 triệu USD) tăng 12% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, ngày 10/8/2018, HĐQT đã phê duyệt khoản chi trả cổ tức tạm thời từ kết quả hoạt động trong nửa đầu năm 2018 với mức 0,33 Baht/cp, dự thực hiện chi vào ngày 7/9 tới.
Giám đốc điều hành CPF dự báo giá lợn sẽ tăng
Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Giám đốc điều hành CPF cho biết hiệu suất của Công ty đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thừa cung thịt lợn và thịt gà ở Việt Nam từ giữa năm ngoái, khi mà tỷ trọng kinh doanh tại đây khá lớn. Tuy nhiên, giá của 2 loại thịt này được điều chỉnh tốt hơn để bù đắp chi phí, đặc biệt, giá thịt lợn tại Việt Nam đã được điều chỉnh về mức bình thường, là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động kết quả sáng sủa hơn trong quý 2/2018.
Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg còn dự báo giá thịt năm sau sẽ tiếp tục tăng, và điều này sẽ là yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh CPF thời gian tới.
Được biết, cũng hưởng lợi từ đà tăng giá heo mà doanh thu thuần của Masan Nutri-Science tăng 9,1% trong quý 2/2018 lên 3.492 tỷ đồng so với mức 3.201 tỷ đồng trong quý 1/2018.
Về Charean Pokphand Foods, Công ty có mẹ là Tập đoàn Charoen Pokphand Group hiện đang sở hữu 53,9% vốn cổ phần. 3 mảng kinh doanh chính của C.P Group là: Thức ăn (Food), Bán lẻ (Retail) và Phân phối (Distribution).
Được biết, CPF gia nhập thị trường Việt Nam ngay từ khi đất nước bắt đầu mở cửa. Đến năm 1993, Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam được thành lập và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2009, C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P. Vietnam Livestock Corporation và sau đó vào năm 2011 đổi tên thành C.P. Vietnam Corporation (Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam).
C.P. Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Nông - Công nghiệp, ngành thực phẩm khép kín: Chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thủy sản với 3 mảng chính:
(1) Ngành Thức ăn chăn nuôi (Feed): Hệ thống 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gồm thức ăn cho lợn, gia cầm, thủy sản…
(2) Ngành Trang trại (Farm): Chăn nuôi các loại lợn, gà thịt, gà đẻ, trứng gà, tôm và cá. Tiêu biểu nhất trong số này có thể kể đến trang trại chăn nuôi heo Lộc Phát (Lộc Ninh, Bình Phước) được xây dựng vào năm 2009 trên diện tích 54 ha với quy mô 2.400 con heo nái và 10.000 heo giống hậu bị.
(3) Ngành Thực phẩm (Food) được chia làm 2 phần chính: Sản xuất tôm và cá xuất khẩu và sản xuất các loại thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước. Trong lĩnh vực này, C.P. Vietnam cũng đứng trong top 10 công ty xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước.