Hôm nay thứ Năm ngày 02/8, giá tiêu đen xô tại các vùng nguyên liệu trong nước điều chỉnh giảm đồng loạt 1.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu đen tại Bà Rịa – Vũng Tàu đứng ở mức 52.000 đồng/kg, các địa phương còn lại giá dao động trong khung 50.000 – 51.000 đồng/kg. Tính chung, giá tiêu đen xô đã giảm 3.000 đồng/kg, tức giảm tới 5,45% so với ngày đầu tháng 7/2018.
Nguyên nhân giá tiêu sụt giảm được cho là do giá chào bán xuất khẩu giảm. Theo dữ liệu của ngành hồ tiêu, trong vòng 1 tháng qua, giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu loại 550 G/l đã giảm 150 USD xuống đứng ở mức 2.600 USD/tấn và giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 G/l cũng đã giảm 150 USD xuống đứng ở mức 2.450 USD/tấn (giá FOB – HCM).
Trong khi đó, giá tiêu đen ASTA xuất khẩu của Indonesia cũng giảm 150 USD xuống đứng ở mức 3.000 USD/tấn (giá FOB – Lampung) và giá tiêu đen FAQ xuống đứng ở mức 2.415 – 2.420 USD/tấn (FOB).
Theo đánh giá của giới thương nhân, giá tiêu đen xô của Việt Nam vẫn nhỉnh hơn giá tiêu đen xô của Indonesia và điều này đã khuyến khích một khối lượng khá đáng kể hạt tiêu vụ mới của Indonesia được nhập về Việt Nam.
Theo báo cáo hàng tuần của Cộng đồng Hạt tiêu Quốc tế (IPC), trong năm 2017 Indonesia đã xuất khẩu tổng cộng 42.700 tấn hạt tiêu các loại và chiếm 40% trong số đó, tức gần 16.500 tấn hạt tiêu được xuất sang Việt Nam.
Cũng theo IPC, vụ mùa hồ tiêu năm nay đã được tiến hành thu hoạch gần 1 tháng qua ở Indonesia và Malaysia trong khi đã gần hoàn tất ở Sri Lanka, với dự báo sản lượng không khả quan như vụ mùa năm trước. Nguyên nhân sản lượng sụt giảm là do giá tiêu thế giới giảm mạnh khiến nông dân nhiều nước trồng tiêu không quan tâm chăm sóc. Thậm chí đã có báo cáo thương mại cho biết một số diện tích canh tác hồ tiêu được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Riêng tại Indonesia, nông dân trồng tiêu ở Bangka và Belitung đã để cho cỏ bao phủ cả vườn cây mà không quan tâm chăm sóc, kể cả thu hoạch. Nếu giá tiêu sụt giảm kéo dài thì chắc chắn sản lượng sẽ giảm rất đáng kể và người dân ở đây không còn mặn mà với loại hạt có hương vị cay nồng này nữa.
Nguồn tin thị trường cho biết một khối lượng đáng kể hạt tiêu vụ mới từ Indonesia sẽ nhập về Việt Nam trong thời điểm này. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng không loại trừ trong đó có cả hạt tiêu vụ trước được đầu cơ ngay tại chỗ theo cuộc gặp gỡ cấp cao giữa "Việt Nam – Indonesia bắt tay nhằm ổn định thị trường hồ tiêu" vào tháng 8 năm ngoái.
Nông dân Indonesia đang thu hoạch vụ tiêu mới (ảnh: Anh Văn)
Trong khi đó, Brazil sẽ thu hoạch vụ hồ tiêu năm nay vào khoảng tháng 9 – 10 sắp tới, tiếp sau vụ thu hoạch của Indonesia và Malaysia. Trong nhiều tháng qua, Brazil không có hạt tiêu nào được giao xuống tàu vì nguồn hàng đã cạn kiệt và nhà nông ở đây vẫn chưa quen tồn trữ hạt tiêu. Nhưng vụ mùa hồ tiêu năm nay đã được họ ký hợp đồng bán giao sau khá đáng kể cho khách hàng quen thuộc ở Bắc Mỹ và EU.
Tuy vậy, khối lượng hạt tiêu xuất khẩu của nước ta được giao xuống tàu khá ổn định và Việt Nam vẫn giữ vị trí đầu tàu xuất khẩu hồ tiêu thế giới.
Theo ước báo của ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7 năm 2018 ước đạt 21 nghìn tấn, với giá trị đạt 64 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 153 nghìn tấn và 517 triệu USD, tăng 3,7% về khối lượng nhưng giảm 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 3.430 USD/tấn, giảm 39,4% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Đức với 37,1% thị phần.