Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, từ ngày 16/3, tất cả người dân phải đeo khẩu trang tại các nơi công cộng, tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...
Thị trường khẩu trang trong nước vốn nóng suốt 2 tháng qua lại càng thêm tăng nhiệt vì nhu cầu tăng vọt của người tiêu dùng.
Theo khảo sát của PV Dân Việt tại TP.HCM, hàng loạt tiệm thuốc Tây có tiếng như Long Châu, Pharmacity, Nhị Trưng..., mặt hàng khẩu trang y tế đều không còn hàng để bán. Nguyên nhân là do nguồn hàng khan hiếm, không nhập được hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân tăng đột biến nên đợt nào hàng về cũng bán hết sạch trong thời gian rất ngắn, không phải ai cũng mua được.
Tại một tiệm thuốc tây trước cổng Bệnh viện 175 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) treo biển thông báo bán tất cả các loại khẩu trang, riêng khẩu trang y tế được bán trong khung giờ từ 17-20h hàng ngày. Khẩu trang y tế tại nhà thuốc này có giá khá “mềm” 2.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, vì là “hàng hiếm” nên chỉ bán nhỏ giọt, mỗi người chỉ được mua tối đa 2 chiếc.
Nhà thuốc hiếm hoi bán khẩu trang y tế, tuy nhiên mỗi người chỉ được mua 2 chiếc trong khung giờ cố định. Ảnh: Q.N
Theo nhân viên bán hàng, tiệm thuốc gần bệnh viện nên chủ yếu bán cho bệnh nhân. Lượng hàng không có nhiều nên nhà thuốc quyết định chia nhỏ để bán cho người thực sự cần, tránh kẻ đầu cơ tích trữ.
Như vậy, suốt thời gian qua, mặt hàng khẩu trang y tế mất hút trên thị trường hoặc được rao bán theo danh nghĩa cá nhân trên mạng với giá rất lộn xộn, nhiều nơi lợi dụng dịch Covid-19 đẩy giá khẩu trang lên cao, phổ biến từ 280.000 – 400.000 đồng/hộp 50 chiếc.
Tại các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Big C, Aeon…, mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn xuất hiện khá nhiều trên quầy kệ.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, thời gian vừa qua đơn vị này và các đối tác đã đưa ra thị trường hơn 5 triệu khẩu trang y tế và 10 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn. Đây là sản phẩm thương hiệu riêng của Saigon Co.op, được bán không lợi nhuận với giá trung bình chỉ 7.000 đồng/chiếc. Đây là mặt hàng có thể tái sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí, cũng như giảm tác động đến môi trường.
Saigon Co.op cung ứng cho thị trường 10 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn từ đầu tháng 3/2020. Ảnh: K.N
Thông tin từ công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết, đơn vị này cũng đã cung cấp ra thị trường trên 10 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Tập đoàn dệt may Vinatex cũng cung cấp khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn 2 lớp với giá 7.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, Vinatex cũng mới đưa ra thị trường khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 12.000 đồng/chiếc.
Theo ghi nhận, mặc dù nhu cầu mua khẩu trang y tế của người dân vẫn ở mức cao nhưng do khan hiếm hàng, nhiều người đã chuyển qua dùng khẩu trang vải. Cung cấp khẩu trang vải với số lượng lớn, giá bán bình ổn, các nhà cung cấp, các hệ thống siêu thị đã phần nào đã làm giảm cơn sốt khẩu trang ở thời điểm hiện tại.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo luật, những người không đeo khẩu trang nơi công cộng có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 của Luật này. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. - Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. - Nếu người bị dịch bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan vi rút Covid-19 cho người khác còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, trường hợp vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế và/hoặc làm chết người, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 10 năm. Trường hợp vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 2 người trở lên, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 12 năm. |