Châu Âu sẽ chứng kiến giá khí đốt tăng vừa phải trong năm nay, trong khi mức tăng đáng kể nhất dự kiến ở Mỹ. Theo chuyên gia Alexey Belogoryev tại Viện Năng lượng và Tài chính Foundation, trong năm 2025, giá khí đốt giao nga y sẽ tăng trên khắp các thị trường lớn. Ngoại trừ Mỹ, hầu hết mức tăng sẽ diễn ra trong nửa đầu năm do mức cơ sở thấp từ đầu năm 2024, khi giá giảm mạnh vào cuối mùa đông và đầu mùa Xuân.
Chuyên gia này cũng dự đoán, giá khí đốt trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan trung bình trong năm 2025 sẽ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, với Chỉ số JKM châu Á tăng 13%, tạm thời mở rộng mức chênh lệch giá của châu Á lên gần 10%.
Giá khí đốt trung bình của châu Âu dự báo sẽ tăng vừa phải lên 420 USD cho 1.000 m3. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm cạn kiệt nhanh chóng vào tháng 11 và tháng 12, tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và những bất ổn xung quanh mốc thời gian ra mắt các dự án LNG.
Chuyên gia Belogoryev cũng lưu ý rằng, các hạn chế đối với LNG của Nga tại EU khó có thể có hiệu lực trước năm 2026. Trước đó, TASS đưa tin, giá khí đốt tại châu Âu đã giảm xuống còn khoảng 380 - 390 UÂD vào năm 2024, dựa trên dữ liệu tương lai từ sàn giao dịch ICE của London.
Mặc dù lo ngại về việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine có thể gây áp lực lên giá, nhưng theo các chuyên gia, đây không phải là vấn đề của toàn châu Âu mà là cuộc khủng hoảng cục bộ ảnh hưởng đến Áo và Slovakia. Thị trường Tây Bắc Âu, đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành giá cả châu Âu, chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp và yếu từ các vấn đề vận chuyển của Ukraine. Finam dự đoán giá chỉ tăng trong ngắn hạn khoảng 10%.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga Alexey Grivach cho biết, giá cả có thể tăng thêm ở châu Âu trong trường hợp nửa cuối mùa Đông lạnh và không có gió. Đồng thời nói thêm rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nhiệt và khối lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm vào cuối mùa sưởi ấm.
Nhà phân tích chính sách Philipp Lausberg tại Trung tâm Chính sách châu Âu cũng chia sẻ quan điểm này. Ông này cho rằng, dù có những giải pháp thay thế, nhưng giá khí đốt có xu hướng đắt hơn một chút so với khí đốt từ đường ống của Nga.
“Tác động sẽ được cảm nhận đặc biệt ở Áo, Hungary và Slovakia - nơi giá khí đốt có khả năng tăng. Điều này có thể tác động đến giá tiêu dùng, chi phí sinh hoạt, nhưng cũng tác động đến giá công nghiệp, điều này có thể tác động đến khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp”, ông Philipp Lausberg nói.
Tại châu Á, giá khí đốt tăng trong năm nay một phần do sự sự cạnh tranh gay gắt với châu Âu về nguồn cung cấp LNG. Trong khi đó, Mỹ sẽ chứng kiến mức tăng giá giao nga y mạnh nhất 29% so với năm 2024.