Giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan ngày 2/3 ở mức 173,1 euro/mwh, tăng 42,3% so với ngày hôm qua, gần chạm mức kỷ lục ghi nhận hồi tháng 12 năm ngoái. So với cùng kỳ 2021, giá khí đốt tại châu Âu tăng 1.014%.
Diễn biến giá khí đốt. Nguồn: Trading Economics
Giá khí đốt tại Anh là 405 xu Anh/therm, tăng 40% so với ngày hôm qua và tăng 944% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng này từng lập đỉnh vào tháng 12/2021 với 470,8 xu Anh/therm.
Giá khí đốt tăng cao vì chiến sự tại Ukraine. Đức tuyên bố ngừng xem xét cấp phép cho tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Nord Stream 2 được xây dựng để dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức dưới biển Baltic, bỏ qua tuyến đường bộ hiện tại đi qua Ukraine. Đường ống này được coi là một cách hiệu quả để cung cấp năng lượng cho Liên minh châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Moscow.
Centrica, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới của Anh, dừng hợp đồng mua khí đốt từ các công ty Nga, trong đó có Gazprom. Trước đó, nhiều công ty dầu mỏ lớn trên thế giới như BP, Shell đã rút khỏi Nga.
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Châu Âu, đáp ứng gần 40% nhu cầu của lục địa này.
Cùng với khí đốt, giá dầu và than đang leo dốc. Giá than tương lai tại Newcastle (Australia) là 400 USD/tấn, cao nhất mọi thời đại và tăng hơn 32% trong một ngày. Chiến sự tại Ukraine khiến nhu cầu cung cấp than cho nguồn điện, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu tăng. Bên cạnh đó, Đức ngừng mua khí đốt của Nga để giảm sự phụ thuộc vào Moscow và thay thế khí đốt bằng than. Hơn 50% khí đốt Đức sử dụng là từ Nga nhưng quốc gia này đã thay đổi chính sách sau khi Moscow đem quân đến Ukraine.
Giá dầu, cả WTI và Brent đang vượt 110.000 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 8 năm qua, sau khi các nước phương Tây siết chặt trừng phạt Nga và tình trạng gián đoạn nguồn cung từ nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.