Thị trường Mỹ đóng cửa trong ngày thứ Sáu, còn Anh đóng cửa hai ngày thứ Sáu và thứ Hai nhân dịp lễ Phục Sinh.
Nhôm xuống thấp nhất 17 tháng
Giá nhôm trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên vừa qua giảm 0,2% xuống 13.779 NDT (2.195,30 USD)/tấn (kỳ hạn giao tháng 5), thấp nhất trong vòng 17 tháng, và tính chung trong quý 1 cũng giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2010 do tồn trữ tại Trung Quốc lập kỷ lục cao mới (970.000 tấn). Trong quý 1/2018, giá nhôm đã giảm 10,7%, sau khi giảm 8,7% ở quý trước đó. Việc Mỹ áp thuế đối với nhôm Trung Quốc và nguy cơ chiến tranh thương mại giữa 2 cường quốc cũng đang gây áp lực giảm lên thị trường nhôm.
Đồng giảm mạnh nhất 3 năm trong quý 1
Giá đồng trên sàn Thượng Hải tăng 0,5% lên 49.900 NDT (7.949,91 USD)/tấn do USD yếu đi. Tuy nhiên tính chung trong tháng 3 giá vẫn giảm 5,6% (mạnh nhất kể từ tháng 11/2015), còn tính cả quý 1 giảm 11%, là quý giảm nhiều nhất kể từ giữa năm 2013. Lý do cũng bởi lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Quặng sắt quý 1 giảm 17,4%
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên kết thúc phiên tăng 1,6% lên 443,5 NDT/tấn cũng bởi thông tin cắt giảm sản lượng ở tỉnh Hà Bắc. Tuy nhiên, trong quý 1 giá đã giảm 17,4%, nhiều nhất kể từ quý 3/2015. Tồn trữ quặng tại cảng Thượng Hải đã tăng lên hơn 160 triệu tấn, cao kỷ lục lịch sử và gấp đôi so với cuối 2015.
Than giảm hơn 10% trong tháng 3
Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên tăng 5,8% trong phiên giao dịch cuối cùng của quý, lên 1.281,5 NDT/tấn, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 4/11/2016, trong khi than cốc tăng 3,4% lên 1.822 NDT/tấn. Nhưng tính trong cả tháng 3, giá vẫn giảm 11,2%, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, và tính chung cả quý 1 cũng giảm quý đầu tiên kể từ giữa năm 2017.
Cao su tăng mạnh
Giá cao su trên sàn Tokyo kết thúc phiên vừa qua tăng theo xu hướng tại Thượng Hải do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dịu lại. Hợp đồng tham chiếu tại TOCOM đóng cửa tăng 0,2 yen (0,0188 USD) lên 184 JPY/kg. Đầu phiên có lúc giá xuống thấp nhất 17 tháng nhưng đã đảo chiều tăng sau đó, khi giá tại Thượng Hải (giao tháng 5) tăng 205 NDT (32,68 USD) lên 11.290 NDT/tấn. Tính chung cả tuần, giá cao su Tokyo tăng 5,4%, mạnh nhất kể từ tháng 7/2017.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đang chịu áp lực bởi dự trữ cao su tăng cao tại Thượng Hải. Theo biểu đồ phân tích kỹ thuật Fibonacci, giá cao su Tokyo có thể xuống chạm mức giá hỗ trợ 175,90 JPY trong vòng 3 tháng tới, sau đó mới hồi phục trở lại mức 190,40 – 198 JPY/kg
Phân bón tăng 3 tuần liên tiếp
Giá phân bón trên thị trường quốc tế liên tiếp tăng trong 3 tuần đầu tháng 3, đảo ngược xu hướng giảm của những tuần trước đó. Lý do bởi nhu cầu tăng lên. Tại Mỹ trong tuần kết thúc vào 23/3, giá DAP trung bình 469 USD/tấn, MAP 504 USD/tấn, potash 349 USD/tấn, urea 368 USD/tấn, loại pha trộn 10-34-0 giá 422 USD/tấn, UAN28 giá 236 USD/tấn và UAN32 giá 269 USD/tấn. Trong đó, MAP đã 2 tuần liên tiếp vượt ngưỡng 500 USD/tấn và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2016.
Mặc dù vậy, so với một năm trước đây, giá hầu hết các loại phân bón đều bị sụt giảm. Và các chuyên gia kinh tế dự báo giá sẽ còn giảm nữa, mất thêm khoảng 20-30 USD/tấn trong vòng 3 tháng.
Dầu cọ tăng mạnh
Giá dầu cọ tại Malaysia phiên cuối tuần đảo chiều tăng mạnh sau khi giảm liên tiếp 3 phiên trước đó theo xu hướng giá dầu đậu tương phương Tây và hy vọng xuất khẩu dầu cọ Malaysia tháng 3 có thể tăng so với tháng 2.
Hợp đồng giao tháng 6 – tham chiếu cho toàn thị trường châu Á – trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 0,87% lên 2.425 ringgit (627,91 USD)/tấn. Tuy nhiên, trong tháng 3 giá cũng giảm 5,2%, còn trong quý 1 giảm 3,1% do Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thực vật hàng đầu thế giới – tăng thuế nhập khẩu dầu nhiệt đới.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong giai đoạn 1-25/3 tăng 9,5% lên 1.165.833 tấn, từ mức 1.064.823 tấn của 25 ngày đầu tháng 2, đem lại hy vọng xuất khẩu trong cả tháng 3 sẽ tăng. Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến ở các chuyên gia và nhân phân tích cho thấy kết quả dự báo giá dầu cọ có thể giảm về 2.159 ringgit/tấn trong vòng 3 tháng tới.
Sữa có xu hướng nhích lên
Giá sữa bột nguyên kem trên thị trường quốc tế cuối tháng 3/2018 đạt 3.244 USD/tấn, tăng 4,64% so với một tháng trước đó và 5,35% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, giá bình quân trong quý 1/2018 là 3.094 USD/tấn, giảm 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo giá sữa nước thu mua tại cổng trại sẽ tương đổi ổn định, ít nhất tới cuối mùa hè, ở mức khoảng 15,75-16 USD/100 lb.
Giá một số mặt hàng chủ chốt cuối tháng 3/2018