Một vụ gừng “cay mắt”
Đứng giữa đám gừng bạc lá, đang chết dần từng ngày, ông Nguyễn Văn Niên (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) buồn rầu nói: “Lúc mới trồng, gừng phát triển tốt lắm, tôi chắc mẩm sẽ bội thu vụ này. Ngờ đâu sau 3 tháng chăm sóc kỹ lưỡng, toàn bộ 7.000 gốc gừng bỗng nhiên bạc lá, rụt ngọn rồi cứ thế đua nhau chết. Giờ tôi không những trắng tay mà còn lâm nợ”.
Cùng chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Thảo (cùng trú tại thị trấn Ia Kha) cho biết: "Gia đình tôi có trồng 13.000 gốc gừng, 2 tháng đầu thấy gừng phát triển rất tốt. Không hiểu sao đến tháng thứ 3 thì toàn bộ bị vàng lá, thối gốc, dù đã bơm đủ thứ thuốc nhưng vẫn không ăn thua". Không riêng ông Niên và ông Thảo, mà rất nhiều hộ dân ở thị trấn Ia Kha cũng đang khốn đốn với khoản nợ lớn do gừng để lại.
Những gốc gừng trồng chưa được 3 tháng đã thối sạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 3.2017, nhiều hộ dân ở huyện Ia Grai ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu gừng với Công ty cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam (có trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Theo đó công ty cung cấp giống, vật tư khác như phân bón, thuốc trừ sâu và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Còn người dân có trách nhiệm thanh toán trước cho công ty 50% tiền đầu tư, 50% còn lại sẽ thanh toán vào cuối vụ.
Ngoài ra, công ty cũng cam kết trong 5 tháng đầu nếu gừng bị bệnh, chết thì sẽ cung cấp thêm giống, phân bón cho các hộ mà không tính chi phí.
Nhưng theo phản ánh của các hộ dân, khi gừng bị bệnh chết, họ đã nhiều lần thông báo, song công ty không đến xem xét. “Gọi điện thoại cho công ty lúc được lúc không, họ hứa sẽ qua xem xét, nhưng rồi không thấy đâu. Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân gừng chết thì công ty bảo do kỹ thuật không đảm bảo, mưa nhiều... rồi hứa nếu năm sau tiếp tục trồng thì sẽ cung cấp giống, vật tư mà người dân không phải bỏ thêm khoản chi phí nào”, ông Niên nói.
Cũng theo ông Niên, gia đình ông đã bỏ ra hàng chục triệu đồng, chưa kể tiền thuê đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vào vụ gừng này.
Hơn 13.000 gốc gừng của gia đình ông Thảo bị mất trắng.
Gừng chết do… ông trời?
Ông Lê Văn Lưỡng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam cho biết: “Do năm nay mưa nhiều, kèm theo dịch bệnh gây hại nên gừng bị nấm, thối củ và chết. Thực ra việc gừng chết là do xử lý đất không kỹ, mưa nhiều làm độ ẩm tăng chứ không thể nói là do giống của công ty chúng tôi. Vì công ty cũng đã đầu tư giống gừng cho các tỉnh như Quảng Nam, Ninh Thuận... nhưng gừng phát triển rất tốt. Bên công ty cũng đã trao đổi với người dân vì thời tiết nên vụ này cả hai bên cùng chịu lỗ, sang vụ sau công ty sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ giống cho bà con".
Những gốc gừng còn lại cũng đang bị héo úa.
Trao đổi với Dân Việt, ông Đào Lân Hưng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Grai cho biết: "Ngay sau khi nghe được thông tin, chúng tôi đã chủ động liên hệ để tìm hiểu sự việc. Được biết có khoảng 6 hộ trên địa bàn huyện có ký kết với công ty để trồng gừng, hộ trồng ít nhất trồng 10.000 gốc và nhiều nhất là 22.000 gốc. Tuy nhiên, hợp đồng chỉ có 2 bên ký kết không thông qua chính quyền nên chúng tôi rất khó trong khâu quản lý giám sát”.
Ông Hưng cho biết thêm, trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Ia Grai sẽ có văn bản gửi đến các xã, thị trấn để kịp thời thống kê số cây gừng của bà con bị chết, đồng thời nắm tình hình giải quyết giữa công ty và người dân.