Nhà máy điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai)
Ngày 20/2, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại và năng lượng trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là tình hình triển khai các dự án năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió.
Toàn tỉnh hiện có 49 dự án thủy điện đang vận hành, tổng công suất 2.246 MW, 26 thủy điện đang triển khai và dự định triển khai. UBND tỉnh Gia Lai đã cho phép cho các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư 41 dự án điện mặt trời với tổng công suất 5.578,5 MWp. Bên cạnh đó, cho phép 89 dự án điện gió triển khai khảo sát, để nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất dự kiến khoảng 13.532,4 MW.
Các tấm pin điện mặt trời của nhà máy Điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai)
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và vận hành 2 dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía với tổng công suất 144,6MW. Về hệ thống lưới điện, trên địa bàn tỉnh có 2 trạm biến áp 500 kV với 9 xuất tuyến 500 kV cùng nhiều trạm biến áp và các tuyến đường dây 220 kV, 110 kV.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai , ông Võ Ngọc Thành cho biết, Gia Lai đang khai thác rất tốt thủy điện. Về năng lượng tái tạo, Gia Lai là tỉnh có năng lượng gió rất tốt nên mong muốn Bộ Công Thương xem xét và có sự ưu tiên tập trung về nguồn lực nhà nước, nhà đầu tư để tỉnh có thể phát triển mạnh năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Gia Lai là một nút quan trọng của lưới điện quốc gia. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu điện địa phương, miền Trung, điều tiết điện cho cả nước, mà còn nhìn nhận vai trò qua trọng của Gia Lai trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh bền vững của cả nước. Theo Bộ trưởng, hệ thống điện lưới tại Gia Lai còn đảm bảo cho việc kết nối, mua bán điện với nước bạn Lào được thuận lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 quốc gia.
Vận hành nhà máy điện Diện mặt trời Krông Pa (Gia Lai)
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thống nhất với đề xuất sẽ sớm cải tạo, nâng công suất của các trạm biến áp để giải phóng được công suất sản xuất lớn trên địa bàn. Đối với việc đẩy nhanh các dự án điện, Bộ trường đề nghị tỉnh Gia Lai tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện khâu bổ sung quy hoạch cho các dự án điện mặt trời, điện gió, một số dự án thủy điện. Trong đó, địa phương cần chủ động trong quy trình pháp lý, chủ động trong khảo sát đề xuất hướng mới, đẩy nhanh tiến độ sớm hơn. Ghi nhận những đóng góp của Gia Lai trong 2 năm qua đã bổ sung 5.000 MW cho lưới điện quốc gia,
Bộ trưởng cũng chỉ ra những bất cập trong quá trình thực hiện các dự án điện mặt trời, điện gió đó là xung đột giữa lợi ích nhà đầu tư với phát triển xã hội; xung đột quy hoạch giữa dự án năng lượng sạch với các dự án khác. “Khi làm thủ tục thì thực hiện được, nhưng đến khi bắt tay vào làm thì vướng quy hoạch, vướng giải phóng mặt bằng không thực hiện được. Thực tế một số dự án được phê duyệt nhưng không thực hiện được gây lãng phí lớn cho cả nhà nước, cho nhà đầu tư, lãng phí nguồn lực xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để đẩy nhanh tiến độ bổ sung các dự án điện mặt trời, điện gió của Gia Lai vào quy hoạch điện quốc gia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra giải pháp Bộ Công Thương sẽ phối hợp với tỉnh Gia Lai, EVN phối hợp, sàng lọc những dự án có tính ưu tiên cao, tính khả thi, có ý nghĩa xã hội lớn để triển khai trước, để đảm bảo hiệu quả chung. Trên cơ sở đó, sẽ hoàn thiện, bổ sung, kiến nghị chính sách cho các nhà đầu tư hoàn thành các nội dung trong dự án…