Giá lợn hơi (heo hơi) cả nước cao nhất chỉ đạt 30.000 đồng/kg đối với lợn đẹp, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn để duy trì đàn lợn. Ảnh: Hải Đăng
Giá lợn hơi (heo hơi) ở miền Bắc đang phổ biến ở mức từ 26.000 - 30.000 đồng/kg, đây cũng là mức giá bình quân chung của cả nước. Mức giá này vẫn dưới giá thành, khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Trung bình mỗi kg lợn hơi, người dân mất trắng 3.000 – 5.000 đồng tiền vốn, đó là còn chưa kể công sức và những thiệt hại do rủi ro như lợn ốm, lợn chết…
Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) – “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, giá lợn hơi được thương lái thu mua phổ biến ở mức từ 26.000 - 28.000 đồng/kg, lợn loại I cũng chỉ lên đến 29.000 - 30.000 đồng/kg là kịch trần. Tuy nhiên, lợn loại đẹp này cũng chỉ chiếm khoảng 40-50% lượng lợn được thương lái thu mua.
Tại Ba Vì (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thục, chủ đại lý thức ăn gia súc ở xã Minh Quang cho hay: Đến thời điểm này, hầu hết người chăn nuôi nhỏ lẻ đã không trụ được và không thể tiếp tục chăn nuôi thêm. Giá thịt lợn ngoài chợ bây giờ bán đến tay người tiêu dùng cũng chỉ 50.000 - 70.000 đồng/kg thịt ngon thì giá lợn hơi thấp là phải. Các hộ nuôi lợn quy mô lớn, từ vài trăm đến vài nghìn con thì đang gắng gượng chịu lỗ, ai cũng hi vọng giá dịp cuối năm sẽ tăng lên, vớt vát được một phần tiền vốn bỏ ra. Tình hình cũng khiến việc buôn bán thức ăn chăn nuôi của chúng tôi bị chậm lại.
Tại các vùng nuôi lợn khác ở một số tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi hôm nay cho thấy đã tăng nhẹ so với bình quân giá tháng 11, với mức tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Bắc hiện đạt cao nhất 30.000 đồng/kg, chỉ gần bằng 1 ly trà sữa. Ảnh: H.Đ
Cụ thể, tại Phú Thọ giá lợn từ 27.000 - 29.000 đồng/kg; thị trường Vĩnh Phúc giá từ 27.000 - 29.000 đồng/kg. Ở Bắc Giang giá lợn hơi từ 27.000 - 29.000 đồng/kg. Thị trường giá lợn hơi ở Nam Định từ 28.000 - 30.000 đồng/kg; Ninh Bình giá lợn dao động từ 27.000 - 29.000 đồng/kg.
Một số tỉnh ghi nhận giá cao nhất 30.000 đồng/kg như Lào Cai, Cao Bằng, Thái Bình, Lạng Sơn, Nghệ An...
Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, mỗi kg lợn hơi có giá từ 27.000 - 30.000 đồng.
Trong khi đó, một số thương lái cho biết, những ngày gần đây lợn đi qua đường tiểu ngạch sang biên giới Trung Quốc vẫn diễn ra nhỏ giọt; hoạt động mua lợn của thương lái vẫn chưa thực sự sôi động.
Các chuyên gia thị trường mới đây đưa ra dự báo, nếu xét trong trung hạn, giá lợn hơi năm 2018 có thể sẽ cao hơn năm nay, do thịt lợn Việt Nam đang có triển vọng tìm được đầu ra mới tại Hà Lan nói riêng và thế giới nói chung.
Tại một hội nghị về thị trường thịt lợn tổ chức gần đây, ông Vũ Mạnh Hùng- Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết đại diện của doanh nghiệp sẽ cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT sang Hà Lan để đàm phán về việc xuất khẩu thịt lợn. Nếu được thông qua, doanh nghiệp này có thể xuất khẩu 10.000 tấn thịt lợn sang Hà Lan.
Nếu đàm phán thành công, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sẽ không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn rất thất thường về nhu cầu tiêu thụ.
Hiện thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu sang thị trường Hồng Kong và Malaysia theo đường chính ngạch khoảng 15-20 nghìn tấn/năm; phần lớn chúng ta xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á - cho biết: Trong tương lai, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc bởi 3 quốc gia này có vị trí địa lý gần với Việt Nam và nhu cầu đang ở top đầu thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu 2,2 triệu tấn thịt lợn/năm, Nhật Bản 1,3 triệu tấn và Hàn Quốc gần 1 triệu tấn.
Đặc biệt, trong cơ cấu nhập khẩu thịt lợn thành phẩm của Nhật Bản có đến 48% là thịt cấp đông được nhập từ EU. Với mối quan hệ cấp quốc gia giữa Việt Nam và Nhật Bản đang rất tốt thì việc Việt Nam có thể xuất khẩu thịt lợn sang Nhật Bản, Hàn Quốc là điều hoàn toàn có thể kỳ vọng.