Sau khi lập gia đình, ra ở riêng, vợ chồng bà Cơi được bố mẹ chia cho một mảnh đất nhỏ cắm dùi. Vì đất sản xuất ít, bà động viên chồng ngày đêm khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa, trồng ngô.
“Những năm đầu ra ở riêng, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Lúc đó, với suy nghĩ “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, tôi cùng chồng không ngại khó, ngại khổ, phát cỏ hoang, cải tạo đất sản xuất. Khai hoang được mảnh nương nào, tôi đưa cây lúa, cây ngô vào trồng ngay tới đó. Dần dà, diện tích đất trồng lúa, trồng ngô của gia đình tôi tăng lên đồng nghĩa với cái đói, cái nghèo lùi dần...” – bà Cơi nhớ lại.
Nhờ cách nuôi lợn không giống ai: Vỗ béo đàn lợn bằng cỏ voi mà bà Cơi có thu nhập khá.
Khi cuộc sống gia đình đi vào ổn định, bà Cơi lại tính đến chuyện làm giàu. Học theo kinh nghiệm của cha ông - “muốn khá nuôi heo”, năm 1997, bà Cơi quyết định lựa chọn và gắn bó với nghề “ăn cơm nằm”.
“Từ khi chân ướt, chân ráo vào nghề nuôi lợn cho đến nay đã 20 năm trôi qua, tôi chỉ nuôi lợn bản. Tôi không nuôi theo kiểu công nghiệp mà nuôi theo kiểu “con nhà nghèo”. Tức là, tôi chỉ cho lợn ăn rau, cỏ, cám gạo... chứ không cho chúng ăn cám công nghiệp. Vì vậy, thịt lợn bản của tôi luôn đảm bảo sạch và ngon, đậm hơn lợn nuôi công nghiệp. Giá bán lợn bản cũng vì thế mà cao và ổn định hơn...” – bà Cơi vui vẻ nói.
Ngoài sử dụng cỏ voi, bà Cơi còn tận dụng cây chuối rừng làm thức ăn chính cho lợn.
Để lợn sinh trưởng và phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, bà Cơi làm chuồng nuôi nhốt xa nhà chứ không thả rông hay nhốt dưới gầm sàn như một số hộ dân khác trong bản. Dãy chuồng lợn nhà bà chia làm nhiều khu phù hợp với độ tuổi của lợn. Trong chuồng nhà bà lúc nào cũng có từ 30 – 40 con lợn. Bà mua lợn giống từ các gia đình trong bản về nuôi thương phẩm. Đều đặn mỗi ngày 2 lần, bà Cơi dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, thu gom phân lợn để bón lúa, rau...
Bên cạnh việc nuôi lợn, bà Cơi còn nấu thêm rượu để tận dụng bỗng rượu làm thức ăn cho đàn lợn.
Khoảng 10 năm trở lại đây, bà Cơi có thêm nghề nấu rượu, lấy bỗng làm thức ăn chăn nuôi. “Ngoài cho ăn rau, cỏ voi, cứ 2 ngày tôi lại nấu một tạ cám (rau, cây chuối, cám gạo, bột ngô) và cho lợn ăn ngày 3 bữa. Từ khi cho ăn thêm bã rượu, đàn lợn nhà tôi lớn nhanh hẳn lên. Con nào phàm ăn thì mỗi tháng có thể tăng từ 10 – 15 kg. Mỗi năm, tôi xuất bán 2 lần, mỗi lần gần 2 tấn, với giá lợn hơi trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, thu gần 200 triệu đồng. Trừ chi phí, tôi còn lãi hơn 100 triệu đồng...” – bà Cơi phấn khởi cho biết.
Đàn lợn bản được chăm sóc tốt nên lớn nhanh và chắc thịt.
Bà Cơi cho biết thêm: Từ khi nuôi lợn đến nay, đàn lợn nhà bà do được chăm sóc tốt nên chưa có lứa nào bị thua lỗ do dịch bệnh hay khủng hoảng giá. “Ngay cả khi giá lợn (heo) hơi xuống mức thấp lịch sử vào những tháng đầu năm 2017, tôi vẫn bán lợn với giá 50.000 đồng/kg. Có thời điểm còn không có lợn để cung cấp cho khách hàng ngoài huyện...” – bà Cơi thông tin.