Thị trường lợn hơi trong nước ghi nhận tăng giá liên tục trong những ngày gần đây. Từ đầu tháng 4 giá lợn bắt đầu có hiện tượng tăng từ 32.500 đồng/kg, nay đã lên áp sát mức 40.000 đồng/kg.
Lo "cơn sốt" giá lợn hơi
Theo cập nhật giá hôm nay (12/4), tại miền Bắc, giá lợn tiếp tục tăng mạnh, có địa phương cán mốc 39.000 đồng/kg – cao nhất trong vòng nửa năm qua.
Cụ thể, tại Hưng Yên giá lợn hơi đang được thu mua trong mức 38.000 - 39.000 đồng/kg, Sơn La cũng đạt mốc 39.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Thái Nguyên có nơi đạt 38.500 đồng/kg. Bắc Giang tiếp tục dao động quanh ngưỡng 38.000 đồng/kg, Thái Nguyên cũng đã lên 37.000 - 38.000 đồng/kg từ mức 35.000 đồng, một số nơi hàng đẹp có thể bán với giá 39.000 đồng/kg. Tại Phú Thọ, Hòa Bình giá lợn hơi cũng đang ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg.
|
Giá lợn hơi tăng mạnh lên sát mức 40.000 đồng/kg, người chăn nuôi đã có lãi. (Ảnh minh hoạ: Trần Ngọc /VOV.VN) |
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng ghi nhận giá lợn cũng đang trên đà khởi sắc, có nơi đạt 37.000 - 38.000 đồng/kg. Các địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ vẫn đang có mức giá nhỉnh hơn một chút so với các tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ.
Cụ thể, một số tỉnh có giá lợn cao là Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định,... hiện những địa phương này đều dao động từ 35.000 - 38.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Nam cũng tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Tại tỉnh Bến Tre cũng đã đạt mức 37.500 đồng/kg, tương tự giá heo tại Đồng Nai. Theo thông tin từ thị trường, giá lợn hơi tại Cái Bè đã đạt 37.000 - 38.000 đồng/kg. Còn tại Cai Lậy, giá lợn đang ở quanh mức 35.000 đồng/kg.
Với những chuyển biến tích cực này, một số người chăn nuôi kỳ vọng rằng "cơn sốt" giá lợn hơi hồi giữa năm 2017 có thể trở lại. Trước đó, vào khoảng tháng 7/2017, giá lợn hơi đã tăng lên mức 42.000 – 45.000 đồng/kg trong vài ngày liên tiếp, tuy nhiên ngay sau đó lại giảm về dưới 30.000 đồng/kg.
Dân găm hàng chờ sốt giá
Lý giải về đợt tăng giá này, các đơn vị kinh doanh cho biết, giá lợn hơi tăng nóng những ngày qua chủ yếu là nguồn lợn trong dân đã giảm rất mạnh so với trước. Còn một số đơn vị cho rằng, giá lợn tăng là do Campuchia mua nhiều để chuẩn bị Tết.
Thời gian hiện tại đang rơi vào mùa Tết tại Campuchia, Thái Lan và Lào, do đó nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại các nước này tăng cao. Thông thường Campuchia tiêu thụ lợn nhiều từ Việt Nam và Thái Lan. Nhưng do cùng là thời điểm Tết nên nguồn heo từ Thái bị gián đoạn để đáp ứng nhu cầu nội địa, nên Campuchia tập trung thu mua lợn từ Việt Nam.
Trước tình hình giá lợn hơi tăng lên từng ngày, nhiều người dân không muốn bán vội mà chờ giá cao hơn. (Ảnh minh họa: Trần Ngọc/VOV.VN) |
Thông tin từ Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho thấy giá lợn thời gian qua tăng khá cao, người nuôi đã bắt đầu có lãi vài ngàn đồng/kg. Do giá đang trên đà tăng nên nhiều người nuôi nhỏ lẻ chưa vội xuất bán trong thời điểm này mà giữ lại chờ giá tăng tiếp mới bán ra. Do đó, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ.
Theo phản ánh của một số hộ chăn nuôi, giá lợn hơi tăng một phần còn do nguyên nhân nhiều người nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề. Sau hơn 1 năm thua lỗ triền miên do giá lợn xuất bán dưới giá thành cả chục ngàn đồng/kg, rất nhiều nông dân đã không còn nuôi lợn, phá chuồng hoặc chuyển sang nuôi gà, vịt... Những người đang duy trì chăn nuôi thì cũng giảm đàn, dẫn đến nguồn cung giảm đáng kể.
Chia sẻ trên Dân Việt, ông Nguyễn Thế Anh, chủ trang trại đang nuôi 1.000 lợn thịt và khoảng 20 nái ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết, trung bình cứ khoảng 5 ngày gia đình ông xuất bán lợn một đợt, mỗi đợt bán cũng vài chục con. Hôm qua (11/4), thương lái đã trả giá 37.000 đồng/kg nên ông vẫn hy vọng giá sẽ còn tăng nữa.
Cũng theo ông Anh, do giá lợn tăng nhanh nên nhiều người đang có tâm lý "găm hàng", chờ đợi để bán được giá cao hơn. Riêng gia đình anh do nuôi nhiều nên vẫn xuất bán liên tục.
Trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, ông Trầm Quốc Thắng, chủ trang trại Gia Phát (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) cho rằng, nguyên nhân chính là chênh lệch cung cầu. Trong hơn 1 năm qua, do giá lợn thường ở mức thấp, phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ đã "kiệt sức", không còn khả năng nuôi lợn tiếp nữa. Nhiều trang trại cũng đã phải bỏ trống chuồng. Đến thời điểm này, chỉ còn các công ty duy trì được đàn lợn.
Chính vì vậy, nguồn cung lợn trên thị trường đã giảm xuống tới mức thấp hơn so với nhu cầu trên thị trường nội địa. Đây là nguyên nhân chính khiến cho giá đang tăng mạnh trong bối cảnh lợn ở Đông Nam Bộ hiện vẫn gần như không xuất được sang Trung Quốc.
Trên Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT Cty Thanh Bình (Đồng Nai), cũng cho hay, hiện nay lợn hơi ở tỉnh này vẫn chưa đi được ra phía Bắc để xuất sang Trung Quốc, bởi giá lợn bên đó đang ở mức thấp. Do đó, thị trường Trung Quốc hiện không có tác động gì tới việc tăng giá liên tục vừa qua.
Đánh giá về đợt tăng giá lợn mạnh mẽ trong những ngày qua, nhiều chuyên gia, doanh nhân, chủ trang trại đều cho rằng hiện tại chưa thể khẳng định được sự tăng giá này có bền vững hay không, giá lợn còn tăng lên nữa hay không…
Vì vậy, dù giá lợn hiện tại đã ở mức giúp cho người chăn nuôi có lãi sau một thời gian dài thua lỗ, nhưng bà con cũng cần bình tĩnh, xem xét, đánh giá thật thận trọng về cung cầu, không nên vội vàng đua nhau tái đàn./.