Hai tháng đầu năm 2022 vừa qua là khoảng thời gian sôi động với thị trường xuất khẩu lúa gạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ngay trong 2 tháng đầu năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 974.556 tấn, tăng mạnh 48,6% so với cùng kỳ 2021, thu về gần 469,26 triệu USD (tăng 30,6%), mặc dù giá trung bình đạt 481,5 USD/tấn (giảm 12%).
Hai trong ba mối hàng lớn nhất của Việt Nam là Philippines và Bờ Biển Nga ghi nhận con số tăng trưởng mạnh cả về lượng, kim ngạch tuy có giảm về giá. Trung Quốc tuy có ghi nhận giảm nhập khẩu gạo Việt Nam so với cùng kỳ nhưng vẫn là quốc gia tiêu thụ gạo Việt Nam lớn thứ hai thế giới với 81.884 tấn, chiếm trên 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
Bên cạnh đó, mức gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang tăng lên mức cao, mức từ 410-415 USD/tấn vào ngày 10/3, so với mức tương ứng 400 USD/tấn vào tuần trước đó.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn.
Giá gạo tăng liên tục trong quý I/2022 - Nguồn: Trading Economic
Tình thế mới của thị trường gạo đến từ xu hướng phục hồi sau đại dịch COVID-19 với nhiều chuỗi cung ứng được nối lại cũng nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao trước diễn biến leo thang giữa Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở biên giới với Việt Nam sau thời gian dài phong toả chống dịch COVID-19 cũng khiến nhiều chuyên gia lạc quan về triển vọng các chuyến hàng xuất sang nước này.
Theo dự báo của các chuyên gia, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng đáng kể từ tháng 3/2022 với các điểm đến truyền thống là Philippines và châu Phi, ngoài Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gạo Việt Nam trong nhiều năm qua đã xây dựng được tiền đề sản phẩm chất lượng cao nhằm tận dụng ưu đãi thuế EVFTA để ký các đơn hàng giá cao.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng trưởng mùa dịch bệnh
Trong khi Vinafood duy trì mức doanh thu trên 16.000 tỷ/năm trong 3 năm qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo trên sàn lại có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai con số năm 2021 CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) và Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Việt Nam Vinaseed (NSC).
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đạt doanh thu kỷ lục năm 2021 với 10.224 tỷ đồng tăng 36% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 422 tỷ đồng tăng 14,4% so với cùng kỳ 2020.
Lý giải một phần cho thành công này là cơ sở vật chất cũng như mạng lưới liên kết dày đặc của doanh nghiệp. Lộc Trời hiện vận hành hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long với năng lực sấy gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn đáp ứng được nhu cầu khối lượng lớn từ các thị thường khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Cuối 2021, Lộc Trời đã “chốt sổ” đơn hàng xuất khảo 80.000 tấn gạo, giá trị 1.000 tỷ đồng tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Đơn hàng chiếm 24% doanh thu gạo của doanh nghiệp, giúp Lộc Trời tăng 4 lần sản lượng và doanh số so với năm ngoái. Qua đây, doanh nghiệp cũng có thêm 15 đối tác mua hàng quốc tế.
Đầu năm 2022, một nhánh của Lộc Trời là Nông Sản Lộc Trời (LTA) cũng thông qua hợp đồng cung ứng 2 triệu tấn lúa cho các đối tác trong nước và xuất khẩu với sự hỗ trợ 12.000 tỷ từ các ngân hàng như TPBank, HDBank, BIDV, VPBank, Mizuho, HSBC, May Bank…
CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) năm 2021 đạt 3.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2020, lãi sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Quý 4/2021 lãi sau thuế của TAR gấp 7 lần cùng kỳ, đạt 43,7 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, doanh nghiệp liên tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận bất chấp đại dịch.
Với hệ thống trữ gạo lớn, nguồn cung liền mạch, không đứt gãy, TAR đã liên tục trúng những gói thầu lớn, điển hình là 25.413 tấn gạo cho quỹ dự trữ quốc gia của chính phủ. Năm 2021, doanh nghiệp đã trúng thầu xuất khẩu 48.763 tấn gạo sang Hàn Quốc trên tổng số hạn ngạch 50.000 tấn (chiếm 98%) mà Hàn Quốc dành cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Đầu năm 2022, Trung Tan trúng thầu xuất khẩu lô gạo khai trương năm mới với số lượng 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài đi Malaysia và 450 tấn gạo thơm Jasmine đi Singapore.
Với những kết quả này, HĐQT TAR đặt mục tiêu 2022 đạt 3.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 6 lần so với kế hoạch năm 2021.
Tập đoàn Giống cầy trồng Việt Nam (NSC) năm 2021 đạt 1.931 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ với lãi ròng đạt 219 tỷ đồng – tăng 15% so với năm 2020, tương đương EPS đạt 12.479 đồng. NSC cho biết lợi nhuận tăng cao là do công ty mở rộng thêm được thị trường gạo và xuất khẩu gạo.
Thị trường gạo tiếp tục khởi sắc năm 2022
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong các tháng cuối năm 2021, giá gạo Việt Nam luôn duy trì ở mức cao hơn các nước khác.
Trong năm tới, tình hình sẽ càng thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tốc độ tiêu thụ gạo tăng vượt sản lượng. Cụ thể, theo báo cáo tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, mặc dù sản lượng gạo toàn cầu 2021-2022 được dự đoán tăng mạnh 2,5 triệu tấn lên 509,9 triệu tấn (xay xát), lượng tiêu thụ gạo cũng được nhận định sẽ tăng lên mức kỷ lục 510,3 triệu tấn, tăng 7,8 triệu tấn so với 2020 - 2021. Theo cơ quan này, Trung Quốc sẽ tích trữ đến 60% lượng gạo. Quốc gia này cũng được Bloomberg đánh giá là nguyên nhân chính khiến giá cả lương thực leo thang lên mức cao nhất 10 năm qua trên toàn cầu. Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh an ninh lương thực trong bối cảnh hậu COVID-19, quốc gia này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh nhập khẩu lúa gạo, đẩy giá gạo lên cao.
Nhận định về triển vọng ngành gạo năm 2022, bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm Long An dự báo vẫn có nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo, bởi nhu cầu của thế giới tăng cũng như chất lượng gạo của Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng.
Rủi ro lớn nhất cho ngành xuất khẩu gạo năm 2022 được cho là là tình trạng thiếu container rỗng và phí vận tải tăng cao, làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp gạo bên cạnh phát huy thế mạnh về sản phẩm của mình sẽ cần phải có kế hoạch thuê tàu hợp lý, kịp thời. Các thương nhân trong thời gian vừa qua cũng đã giảm giá gạo để chia sẻ khó khăn với các đối tác, xuống mức 486,5 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.