Tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các dữ liệu thống kê sơ bộ mới công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong tháng 2 vẫn được duy trì ở mức cao, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù áp lực từ chi phí năng lượng đã phần nào giảm bớt trong thời gian qua nhờ thời tiết mùa Đông ấm hơn thường lệ nhưng lạm phát vẫn chưa thể hạ nhiệt như kỳ vọng, khi giá lương thực thực phẩm liên tục tăng mạnh, gây sức ép lớn lên người tiêu dùng.
Theo Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), giá lương thực và đồ uống trong tháng 2 tại Eurozone đã đạt mức tăng kỷ lục 15% - cao hơn đáng kể so với mức 14,1% của tháng 1. Đây là lần đầu tiên sau hai năm giá lương thực tăng cao hơn chi phí năng lượng.
Cá biệt, tại Hungary, người tiêu dùng đã phải chịu sức ép lớn khi giá lương thực trong tháng 1 tăng tới 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn gấp đôi mức trung bình của châu Âu.
Bà Maga Nyeste - người tiêu dùng Hungary cho biết: "Giá đã tăng lên rất nhiều, không phải tăng gấp đôi, mà gấp ba hoặc bốn lần. Đặc biệt là sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Còn rau nữa, cứ nhìn vào bảng giá thì rõ họ đang bán rau với mức giá của thịt".
"Mọi thứ đang trở nên quá đắt, đặc biệt với người sống bằng lương hưu như tôi", bà Judit Bittmann - người tiêu dùng Hungary chia sẻ.
Giá lương thực tăng cao đè nặng người dân châu Âu.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại các nền kinh tế lớn như Đức, Tây Ban Nha, Italy hay Pháp, khi tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở mức cao, với động lực chính đến từ giá lương thực. Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) đã phải lên tiếng cảnh báo, tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài, đè nặng lên các hộ gia đình.
Ông Lionel Maugain - Nhà báo, Tạp chí 60 Millions de Consommateurs cho biết: "Tính toán của chúng tôi cho thấy, các đợt tăng giá kể từ đầu năm đã buộc một hộ gia đình Pháp phải trả thêm 790 Euro cho cùng một lượng hàng hóa mua sắm trong năm ngoái. Kết quả là mọi người đang mua ít thịt hơn, ít cá hơn và giảm mua cả các sản phẩm đắt tiền. 1/4 người dân Pháp đã giảm tiêu thụ thực phẩm kể từ đầu năm".
Trong một nỗ lực kiềm chế giá lương thực đã tăng hơn 14% trong tháng 2, Chính phủ Pháp đang cố gắng thương lượng với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để điều chỉnh giá bán.
"Chúng ta cần phải chia sẻ gánh nặng lạm phát, vốn đang gây khó khăn cho hàng triệu người. Các nhà phân phối và nhà sản xuất cần phải cam kết điều đó. Tôi hy vọng, có thể đạt được thỏa thuận trong những ngày tới và áp dụng trước ngày 15/3", ông Bruno Le Maire - Bộ trưởng Tài chính Pháp nói.
Các số liệu lạm phát mới nhất càng củng cố cho nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023, khi cuộc chiến kiểm soát giá cả chưa kết thúc. Giới chuyên gia hiện đang nghiêng về khả năng ECB sẽ thực hiện 2 đợt tăng lãi suất ở mức 0,5 điểm % tại các cuộc họp trong tháng 3 và tháng 5 tới.