Bạn đọc của Báo Dân trí thông tin người thân của họ vừa nhận một văn bản được ghi nguồn gốc là do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, trong đó có nội dung "đóng băng" 300 triệu đồng tiền vay.
Văn bản này ghi: Do người vay là Phạm Thị Thắm điền tài khoản ngân hàng cá nhân không chính xác, nên bị tạm thời "đóng băng" tiền vay 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, "sau điều tra tài khoản ngân hàng được điền không chính xác và đã được chứng minh rằng không phải là hợp tác với nhân viên tài chính để lừa đảo khoản vay này", nội dung trong tờ thông báo ghi số 329 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nêu.
"Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia quyết định: Phạm Thị Thắm phải nộp lại mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước cá nhân của mình và ảnh chụp cá nhân cầm thẻ căn cước trên tay, đồng thời gửi cho công ty tài chính để bàn giao cho Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia xác minh", thông báo nêu.
Thông báo giả mạo Ngân hàng Nhà nước. |
Theo đó, tờ thông báo này yêu cầu người vay là "Phạm Thị Thắm phải gửi tiền đặt cọc cho số tiền vay để chứng minh việc mất tiền, để đảm bảo thẻ ngân hàng được điền không chính xác và không sử dụng gian lận thông tin của người khác. Sau khi xác nhận thẻ ngân hàng được Phạm Thị Thắm sử dụng, quá trình xác thực có thể hoàn tất".
Văn bản này cho biết, sau khi xác thực hoàn tất khoản tiền gửi chưa xác thực và số tiền vay bị "đóng băng" sẽ được trả lại vào tài khoản ngân hàng đã gửi lại.
"Nếu người vay thực tế Phạm Thị Thắm không xác thực được, văn phòng chúng tôi sẽ thông báo cho bộ phận pháp lý để can thiệp điều tra, liên hệ với người nhà hoặc công ty nơi người vay đặt trụ sở, nếu cần sẽ liên hệ với cơ quan công an địa phương để áp dụng tội lừa đảo vay tiền và đến thu thập chứng cứ để điều tra", văn bản nhấn mạnh.
Thậm chí, cuối văn bản còn in đỏ dòng chữ: "Tội lừa đảo cho vay là lừa đảo các khoản vay của ngân hàng hoặc các tổ chức vay tài chính khác nhằm mục đích chiếm hữu bất hợp pháp, số tiền lớn sẽ bị phạt tù có thời hạn 5 năm trở xuống và phạt tiền 20% số tiền lừa đảo cho vay. Trường hợp nghiêm trọng khác bị phạt tù có thời hạn trên 5 năm và dưới 10 năm, phạt 50% số tiền lừa đảo cho vay".
Với nội dung mà bạn đọc của Báo Dân trí nhận được, người này chia sẻ "nghi ngờ đây là văn bản giả mạo nhằm mục đích lừa đảo", qua đó nhờ đơn vị chức năng xác nhận.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định văn bản đó là giả mạo, không phải do cơ quan chức năng ban hành.
Vị đại diện này khuyên người dân cần thận trọng, cảnh giác trước các văn bản có dấu hiệu giả mạo; nếu nhận được các văn bản này cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn cảnh báo một số hiện tượng liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán thời gian.
Gần đây, thị trường xuất hiện việc đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, kẻ gian yêu cầu khách đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ; thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn và yêu cầu khách đọc 6 số trong tin nhắn (thực chất là mã OTP để giao dịch thanh toán trực tuyến). Khách hàng làm theo yêu cầu của kẻ gian sẽ bị mất tiền trong tài khoản thẻ.
Một thủ đoạn khác được nêu là đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyền tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn internet (đường link) trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền...
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo thực hiện chuyển tiền rồi báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyền nhầm). Sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay.
(Theo Dân Trí)