So với phân khúc đồ uống có ga với sự xuất hiện của hai đại gia thế giới là Cocacola và Pepsi, hay trà xanh đóng chai với URC, Sunstory, thì phân khúc đồ uống không cồn, nước tăng lực có phần ít được chú ý hơn. Tuy nhiên, thị trường ngách này vốn cũng không yên ả, khi cuộc đua giành giật thị phần diễn ra khá khốc liệt. Trong đó, một trong thương hiệu xuất hiện từ ngày đầu là Red Bull.
Năm 1981, Red Bull ra mắt tại Thái Lan và nhanh chóng trở thành dòng nước tăng lực phổ biến nhất tại quốc gia này. 17 năm sau đó, dòng sản phẩm này bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam thông qua kênh nhập khẩu và đến năm 2008, Red Bull chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam với Công ty TNHH Red Bull Việt Nam.
Là một trong những thương hiệu nước tăng lực xuất hiện sớm nhất trên thị trường, Red Bull nhanh chóng chiếm lĩnh miếng bánh thị phần với tên gọi quen thuộc của sản phẩm là "bò húc", dựa trên hình ảnh đại diện của Red Bull xuất hiện trên mỗi lon nước tăng lực.
Đối thủ cạnh tranh của thương hiệu này khi đó chỉ có một vài cái tên như Sting của Pepsi, Number 1 của Tân Hiệp Phát hay Samurai của Cocacola.
Gần đây, phân khúc này có thêm nhiều thương hiệu nhập khẩu nhảy vào cạnh tranh như M-150, Carabao hay Monster.
Từng dẫn đầu thị trường với doanh thu cao đột biến, tuy nhiên trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Red Bull có xu hướng chậm lại, vị thế dẫn đầu của sản phẩm này bị đe dọa bởi sự xuất hiện của những thương hiệu nhập khẩu mới và những tên tuổi trong nước. Trong đó, một cái tên đáng chú ý là Wake up 247 của VinaCafe Biên Hòa - dòng sản phẩm mới được ra đời cuối tháng 3/2014, sau khi VinaCafe Biên Hòa "về một nhà" với tập đoàn Masan.
Năm 2017, doanh thu của Red Bull Việt Nam đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trước đó năm 2016, doanh thu của dòng sản phẩm này cũng chỉ đạt hơn 950 tỷ, với biên lợi nhuận gộp xấp xỉ 50%.
Bên cạnh đó, dù đã có nhà máy sản xuất ở Việt Nam nhưng hiện tại Red Bull nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan do công ty mẹ TC Pharmaceutical sản xuất cũng vẫn được tiêu dùng rất phổ biến tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu nhìn qua số liệu của Vinacafe Biên Hòa, tốc độ tăng trưởng doanh thu của dòng sản phẩm Wake up 247 đủ sức để cho "bò húc" từ Thái Lan phải lo sợ. Doanh thu dòng sản phẩm Wake up 247 đạt hơn 560 tỷ năm 2015, đã tăng lên 788 tỷ năm 2016 và đạt hơn 1.200 tỷ năm 2017.
Không chỉ do lợi thế về hệ thống phân phối tận dụng từ Masan, kết quả tăng trưởng đột biến của Wake up 247 còn đến từ việc định vị phân khúc khách hàng hoàn toàn khác so với Red Bull hay những thương hiệu nước tăng lực trên thị trường.
Mặc dù ra đời đầu năm 2014 nhưng cái tên Wake up 247 không thu hút được sự chú ý trên thị trường cho tới 3 năm gần đây. Khác với Red Bull và một số thương hiệu khác khi định vị là dòng sản phẩm tăng lực dành cho hoạt động, vốn bị cạnh tranh với nhiều sản phẩm nước uống thể thao trên thị trường thì Wake up 247 lại chọn một thị trường ngách hướng tới các "game thủ" với việc liên tục tài trợ cho giải đấu Liên Minh Huyền Thoại tại Việt Nam – một trong những trò chơi trực tuyến có lượng người chơi đông nhất hiện nay.
Hình ảnh sản phẩm Wake up 247 thường xuyên xuất hiện trên tay những "game thủ" nổi tiếng đã khiến mức độ nhận diện thương hiệu này tại hệ thống quán net, gaming house tăng đột biến.
Dù kênh phân phối thông thường qua tạp hóa hay siêu thị bị lấn át bởi Red Bull hay Sting nhưng nhờ đi vào thị trường ngách chưa mấy đơn vị khai phá, kết quả kinh doanh của Wake up 247 tăng bằng lần trong những năm gần đây và đã trở thành một trong những cái tên dẫn đầu thị trường. Trong khi đó, Red Bull với 20 năm lịch sử đang chịu sức ép lớn từ những sản phẩm thay thế trong phân khúc khách hàng hướng tới.