Giá nhôm đã tăng 50% trong năm nay nhưng một số nhà đầu tư hiện đặt cược vào mức tăng thậm chí còn đột biến hơn. Loại kim loại được sử dụng trong nhiều thứ, từ vỏ lon bia đến iPhone này tiêu tốn rất nhiều năng lượng để sản xuất và giá điện tăng cao đang gây áp lực lớn lên nguồn cung.
Những người trong ngành thường nói đùa rằng nhôm chính là điện nhưng ở thể rắn. Mỗi tấn nhôm cần khoảng 14 megawatt giờ điện để sản xuất, đủ để một gia đình tại Anh sử dụng trung bình trong hơn 3 năm. Nếu ngành công nghiệp 65 triệu tấn nhôm là một quốc gia thì nước này sẽ tiêu thụ điện lớn thứ 5 thế giới.
Nhà đầu tư tin rằng giá nhôm có thể lên mức 4.000 USD/tấn.
Điều này đồng nghĩa nhôm sẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên được nhắm đến trong nỗ lực hạn chế sử dụng năng lượng công nghiệp của Trung Quốc. Ngay cả khi trước cuộc khủng hoảng điện xảy ra, Bắc Kinh đã đặt ra một giới hạn nghiêm ngặt với việc sản xuất nhôm, chấm dứt giai đoạn mở rộng sản xuất liên tục trước đây. Hiện nay, với chi phí năng lượng tăng cao khắp châu Á và châu Âu, nguy cơ nhôm bị cắt giảm nguồn cung ngày càng lớn.
Giá nhôm đã tăng 1,6% lên 3.014,50 USD/tấn trên sàn LME hôm 12/10, cao nhất kể từ tháng 7/2008. Theo các nhà giao dịch tích cực trên thị trường, các nhà đầu tư đang kêu gọi mua với giá thực tế lên đến 4.000 USD/tấn – đặt cược rằng giá có thể vượt qua 4.000 USD để đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Không ít nhà máy nhôm ở Trung Quốc đã thắt chặt sản lượng và sản lượng của nước này có thể đã đạt đỉnh, ít nhất là trong ngắn hạn, theo Mark Hansen – Giám đốc điều hành của Concord Resources Ltd. có trụ sở tại London cho biết. Ông dự đoán với mức thâm hụt thị trường như hiện tại, giá có thể lên đến 3.400 USD/tấn trong 12 tháng tới.
Áp lực lên ngành công nghiệp nhôm đang rất lớn. Tại Hà Lan, nhà sản xuất nhôm Aldel sẽ cắt giảm sản lượng trong tuần này do giá điện cao, hãng truyền hình Hà Lan NOS đưa tin.
Hiện tại, các thương nhân, nhà đầu tư và nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ tình hình từ Trung Quốc. Dưới áp lực sản xuất, nhu cầu thị trường bùng nổ, Trung Quốc đã nhập khẩu một số lượng rất lớn kim loại này. Tuy nhiên, họ vẫn xuất khẩu một lượng lớn nhôm bán-thành phẩm, một phần do được hỗ trợ giảm thuế.
"Với mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu điện và các biện pháp cắt giảm mà chúng ta đã thấy, việc Trung Quốc xuất khẩu một lượng lớn nhôm mỗi tháng là không hợp lý. Nó giống như họ đang xuất khẩu tài nguyên năng lượng vậy", James Luke – Giám đốc quỹ hàng hoá Schroders nói.
Biểu đồ giá nhôm và chi phí cho năng lượng để sản xuất 1 tấn nhôm tại Đức.
Các nhà phân tích, bao gồm cả Goldman Sachs cho biết có khả năng Bắc Kinh sẽ bãi bỏ việc giảm thuế giá trị gia tăng với hàng xuất khẩu để làm chậm dòng chảy kim loại khỏi nước này. Với việc Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn nhôm vào năm tới, phần còn lại của thế giới sẽ thiếu hụt một cách nghiêm trọng, đẩy nguy cơ tăng giá lên đột biến.
Giá nhôm tăng vọt trong năm nay sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất mở lại nhà máy cũ và xem xét bổ sung nguồn cung mới. Tuy nhiên, sự tăng vọt về chi phí điện đang gây áp lực lên các lò luyện và làm khó quá trình khởi động lại của các nhà máy.
Ví dụ, nếu một nhà máy luyện nhôm ở Đức muốn mở lại, họ phải trả khoảng 4.000 USD tiền điện để sản xuất ra 1 tấn nhôm, vượt xa giá nhôm hiện tại.
"Thị trường kim loại toàn cầu sẽ eo hẹp nhất từ trước đến nay vào năm 2022", Eoin Dinmore, trưởng bộ phần nghiên cứu sản phẩm cơ bản từ nhôm tại CRU cho biết.
Tham khảo: Bloomberg