Giá Niken đã tăng tới 250% chỉ trong 2 ngày lên mức 101.365 USD/tấn. Đây là đà tăng điên rồ chưa từng có trong lịch sử, khi đợt "ép mua" (short squeeze) diễn ra khiến một đơn vị thuộc ngân hàng lớn của Trung Quốc lỡ hạn thanh toán margin call. Sàn giao dịch kim loại London (LME) – một trong những sàn giao dịch hàng hoá hàng đầu thế giới buộc phải thay đổi quy tắc tạm dừng giao dịch niken vì giá tăng đột biến.
Jiang Hang - trưởng bộ phận giao dịch tại Yonggang Resources Co., cho hay: "Đà tăng của kim loại này đang trở nên điên rồ, không hề tuân theo bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào. Hệ thống giao dịch của LME đang nằm ngoài tầm kiểm soát và cần sự can thiệp."
Thực tế, Niken đã tăng giá mạnh do nguồn cung khan hiếm, ngay cả trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Căng thẳng địa chính trị càng đẩy giá Niken đi lên khi Nga hiện sản xuất 17% sản lượng Niken hàng đầu thế giới. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Nga là nhà sản xuất Niken lớn thứ ba thế giới.
Hiện tại, 72% lượng Niken toàn cầu được sử dụng để sản xuất thép không gỉ và 7% được sử dụng để sản xuất pin.
PC1 là công ty niêm yết duy nhất sở hữu 1 mỏ Niken tại Việt Nam
Việt Nam hiện đang có 6 mỏ Niken tập trung ở 3 tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Thanh Hoá với tổng trữ lượng khoảng 3,6 triệu tấn kim loại.
Trong năm 2021, Công ty cổ phần Xây lắp diện I (PC1) đã mua lại 57,27% cổ phần của Công ty cổ phần khoáng sản Tấn Phát qua đó trở thành công ty mẹ của khoáng sản Tấn Phát.
Khoáng sản Tấn Phát là chủ sở hữu mỏ Niken - Đồng tại khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 03/07/2021, đã khởi công công trình "Khai thác lộ thiên khoáng sản Niken – Đồng" thuộc hai xã Quang Trung & xã Hà Trì, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.502 tỷ đồng; quy mô công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm. Khởi công xây dựng ngày 3/7/2021 và đi vào vận hành chạy thử theo kế hoạch trong Quý IV năm 2022 và bán sản phẩm từ Quý I năm 2023.
Năm 2021, PC1 ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng.
Doanh thu thuần công ty đạt 9.813 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Về cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp đạt 6.714 tỷ đồng, chiếm 68% cơ cấu doanh thu; còn lại 32% đến từ doanh thu bán hàng hóa, hoạt động bán điện, sản xuất công nghiệp và kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản.
Lợi nhuận sau thuế đạt 764 tỷ đồng, tăng 40%. Tính đến cuối năm 2021, quy mô tài sản của PC1 tăng 75% lên 18.796 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 2, giá cổ phiếu PC1 đã bước vào giai đoạn tăng trưởng thần tốc. Đặc biệt, chỉ trong 3 phiên gần đây từ ngày 7/3/2022, giai đoạn giá Niken tăng cao, giá cổ phiếu PC1 đã tăng 18%. Trong phiên giao dịch ngày 9/3/2022, PC1 tăng 2.950 đồng/cp lên 45.250 đồng/cp, tương ứng tăng trần 7%.
Doanh nghiệp Inox hưởng lợi từ hàng tồn kho
Giá Niken tăng khiến giá Inox cũng tăng theo. Giá thép không gỉ tại Trung Quốc tăng 12% lên mức cao kỷ lục khi giá Niken tăng hơn gấp đôi do lo ngại nguồn cung từ Nga. Trên sàn Thượng Hải, giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 4/2022 tăng lên 22.125 CNY/tấn.
Các biến động về thị trường nhanh chóng được phản ánh vào giá cổ phiếu. Hai doanh nghiệp niêm yết có hoạt động kinh doanh là sản xuất Inox tại Việt Nam là CTCP Tập đoàn Thiên Quang (ITQ) và CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (KVC) đều chạm giá trần trong phiên giao dịch ngày 9/3. Đầu phiên chiều, ITQ tăng 10% lên 10.000 đồng/cp còn KVC cũng tăng 10% lên 7.900 đồng/cp.
Cả ITQ và KVC đều được hưởng lợi khi đang có giá trị hàng tồn kho khá lớn. ITQ đang có 191 tỷ đồng hàng tồn kho bằng 92% giá vốn quý 4/2021 của công ty. Còn KVC có 257 tỷ đồng hàng tồn kho còn cao hơn giá vốn bán hàng cả năm 2021.
Xe điện chịu áp lực về chi phí đầu vào tăng cao
Niken cũng là chìa khóa quan trọng trong thị trường pin sử dụng trong xe điện.
Hiện nay, pin Lithium là loại pin được sử dụng phổ biến nhất trên các mẫu ô tô điện. Theo số liệu từ phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne, Mỹ, một bộ pin Lithium-ion chứa khoảng 8kg Lithium, 35kg Niken, 20kg Magan và 14kg Coban.
Giá Niken tăng cao trong thời gian dài có thể gây nguy cơ đẩy giá pin xe điện và khiến quá trình chuyển đổi năng lượng phức tạp hơn.