Sau hai phiên tăng giá cuối tuần, giá cà phê hôm nay đã chững lại
Thị trường sôi động khi giá cà phê tăng
Sau hai phiên tăng liên tiếp cuối tuần qua, giá cà phê hôm nay đã đứng yên, có nơi giảm nhẹ 100 đồng. Hiện giá cà phê Tây Nguyên được giao dịch ở mức 37.100 – 37.400 đồng/kg. Tuy giá đã chững lại nhưng đây vẫn là mức giá chấp nhận được với nhiều nông hộ. Anh Nguyễn Văn Thái (Đức Trọng, Lâm Đồng) cho hay: Cuối tuần rồi tôi vừa bán hơn tấn cà ở mức 37.600 đồng/kg. Đây không phải là mức như kì vọng để bù lỗ nhưng với giá hiện tại, không biết lên xuống lúc nào. Hiện, cứ được giá cao nhất là bán để lấy tiền tái đầu tư cho cây cà phê vào mùa năm sau.
Với mức xuất khẩu cà phê tháng 2, chủ yếu là cà phê Robusta đã giảm tới 35,3% so với tháng trước, thị trường nội địa nhộn nhịp trở lại khi sàn London tăng giá sẽ bù đắp mức thiếu hụt.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta không có nhiều biến động. Kỳ hạn giao ngay tháng 3/2018 vẫn ở mức 1.830 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 5/2018 ở mức 1.780 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7/2018 ở mức 1.800 USD/tấn. Trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2018 giảm 0,15 cent, ở mức 118,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2018 giảm thêm 0,15 cent, còn 120,15 cent/lb.
Giá tiêu vẫn đang ở mức thấp
Giá tiêu tăng nhẹ
Giá hồ tiêu hôm nay 12/3 có tăng nhẹ. Hiện giá hồ tiêu dao động mức 60.000 - 62.000 đồng/kg. Trong đó giá hồ tiêu thấp nhất vẫn ở tỉnh Gia Lai 60.000 đồng/kg và mức cao nhất ở huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) 62.000 đồng/kg.Giá hồ tiêu xuất khẩu hiện nay chỉ còn chừng từ 3.000-3.200 đô la Mỹ mỗi tấn (FOB giao hàng qua lan can tàu), mức ấy vẫn còn hấp dẫn nhiều nước sản xuất mới nổi khác như Brazil, Campuchia, Trung quốc…
Dự báo sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2018 có thể đạt trên 445.000 tấn, gần bằng năm 2017, nhưng nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu đã khá bão hòa với chỉ chừng 368.000 tấn, báo cáo của Hiệp hội hồ tiêu thế giới cho biết. Ở Ấn Độ, hạt tiêu là một trong những gia vị quan trọng nhất và chủ yếu được trồng ở Kerala, Karnataka và Tamil Nadu nhưng cũng mở rộng để trồng ở Andhra Pradesh, Orissa, Maharasthra, Goa, Assam, Meghalaya, Tripura… Trong thực tế, hạt tiêu được trồng xen lẫn với cà phê và trà hoặc leo lên dừa và các cây có hạt khác. Hạt tiêu được canh tác như một loại cây trồng đơn chỉ ở một số khu vực nhất định.
Tiêu ở Ấn Độ được trồng ở trang trại nhỏ chủ yếu ở nông thôn. Diện tích trồng tiêu được báo cáo khoảng 131.000 ha với sản lượng bình quân khoảng 55.000 tấn/năm. Năm 2017, sản lượng hạt tiêu ở Ấn Độ đạt 57.000 tấn, tăng 18% so với 48.500 tấn vào năm 2016. Dựa trên thu hoạch vào đầu năm 2018, sản lượng hạt tiêu ở Ấn Độ dự kiến đạt 65.000 tấn, tăng 14%. Sự gia tăng liên tục trong hai năm 2016-2017 là kết quả của những nỗ lực nhằm đáp ứng sự tăng giá liên tục trong thập kỷ qua (2006-2015) để phục hồi, trồng lại và mở rộng trang trại tiêu.
Ấn Độ có ngành công nghiệp gia vị khá tiên tiến, đặc biệt là các sản phẩm gia vị chế biến như bột, các sản phẩm mất nước, dầu và oleoresin và các sản phẩm phụ khác. Nhu cầu hạt tiêu cho ngành sản xuất gia vị là rất cao. Vì vậy, ngoài lượng hạt tiêu sản xuất trong nước, Ấn Độ phải nhập khẩu một lượng đáng kể bên ngoài mà chủ yếu đến từ Việt Nam và Sri Lanka.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, kết thúc năm 2017 Ấn Độ là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực hạt tiêu của Việt Nam, chỉ đứng thứ hai sau thị trường Mỹ đạt 16,2 nghìn tấn, trị giá 78,8 triệu USD, tăng 46,33% về lượng nhưng giảm 6,4% trị giá so với năm 2016.