Giá cà phê hôm nay 15.11 tiếp tục tăng ở mức từ 200 - 400 đồng/kg
Công nghệ chế biến lạc hậu làm giảm giá trị
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, trên 80% nông hộ sử dụng công nghệ chế biến khô để chế biến cà phê nhân. Với hình thức chế biến khô này, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn Tây Nguyên sau khi thu hái cà phê quả tươi về loại bỏ các tạp chất như cành, lá, đất, đá, quả cà phê xanh non…, sau đó, đưa ra phơi khô trên nền xi măng, nền gạch hoặc trải trên tấm bạt nilon…
Khi cà phê độ ẩm xuống còn 12 – 13%, các nông hộ, doanh nghiệp mới đưa vào máy xát loại bỏ vỏ ngoài, vỏ trấu cho ra cà phê nhân thành phẩm. Thuận lợi của công nghệ chế biến khô là giá đầu tư một dây chuyền công nghệ không quá cao, tùy theo công suất chế biến mỗi máy (có giá đầu tư từ 5 triệu đồng trở lên/máy) nhưng bất lợi là khi xay xát làm cho nhiều nhân cà phê bị tổn thương, vỡ, trong phơi sấy có lúc hạt cà phê bị lên men, thâm đen lẫn tạp chất… nên dẫn đến chỉ tiêu đánh giá ngoại quan cà phê thấp, giá xuất cà phê không cao.
Trong khi đó, việc chế biến cà phê nhân theo công nghệ chế biến ướt là tiên tiến nhất hiện nay chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở vùng Tây Nguyên có quy mô tương đối lớn mới đầu tư.
Nông dân trồng cà phê đang bước vào vụ chính thu hoach. Gặp phải giá kì hạn xuống nên nhiều người vẫn trữ hàng để chờ giá lên. Nên lưu lượng cà phê lưu chuyển trên thị trường chưa mạnh. Giá cà phê vẫn dao động ở mức 38,5 – 40 triệu đồng/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê trực tuyến trên 2 sàn London và New York duy trì xu hướng biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Tuy nhiên ngược lại, giá hợp đồng cà phê robusta giao tháng 1 trên sàn London tăng trở lại 12 USD lên 1836 USD/tấn. Trong khi, giá cà phê arabica giao tháng 3 trên sàn New York giảm 0,15 USD cent xuống 130,75 USD cent/pound, dứt chuỗi ngày tăng liên tiếp.
Nguồn cung cà phê dồi dào
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhấn mạnh thị trường cà phê sẽ có nguồn cung dồi dào khi vừa hạ ước tính thâm hụt cà phê toàn cầu trong niên vụ trước – đồng thời hạn ước tính về thâm hụt cà phê trong 2 năm trước đó. Thị trường cà phê toàn cầu có nguồn cung dồi dào vào thời điểm bắt đầu niên vụ 2017-18 nhờ dự trữ đầu kỳ ở mức cao.
Trong dự báo trước, ICO cho rằng thị trường cà phê niên vụ 2016-17 sẽ thâm hụt 1,19 triệu bao, nay đã điều chỉnh lại dự báo và cho rằng thị trường thặng dư 2,38 triệu bao cho niên vụ 2016-17, kết thúc vào tháng 9 vừa qua. Điều chỉnh này dựa trên những thông tin mới về sản xuất tại các nước thành viên tăng thêm 3,57 triệu bao lên 157,4 triệu bao. Trong khi đó, tổ chức này vẫn giữ ước tính tiêu thụ cà phê thế giới ở mức 151,1 triệu bao.
Volcafe, nhánh chuyên về cà phê tại Thụy Sĩ của nhà giao dịch hàng hóa ED&F Man, cho rằng dự trữ cà phê Arabica cuối kì của Brazil trong niên vụ 2017/18 sẽ ở mức thấp nhất trong 5 năm, chỉ đạt 15 triệu bao loại 60kg.
Theo nhận định của Hannah Rizki, người đứng đầu về nghiên cứu cà phê tại Volcafe, sản lượng cà phê Arabica Brazil niên vụ 2017/18 đạt 36,7 triệu bao và xuất khẩu 27,3 triệu bao, giảm từ mức sản lượng 45,8 triệu bao và xuất khẩu 29,9 triệu bao trong niên vụ 2016/17.
Tại Brazil, niên vụ theo chu kỳ sản lượng thấp này sẽ bị thâm hụt 5,3 triệu bao, sau khi thặng dư 3,1 triệu bao trong niên vụ chu kỳ sản lượng cao trước đó.