Giá cà phê tuần này được dự báo vẫn ở trong khung giá thấp, do thiếu đà hỗ trợ từ thị trường. Ảnh minh họa
Giá cà phê vẫn trong khung giá thấp
Trong tuần vừa qua, giá cà phê robusta nhiều nơi trên thị trường nội địa đã có lúc tăng chạm mức 38 triệu đồng/tấn, tuy nhiên khi giá trên sàn London giảm xuống mức sâu 1.700 Usd/tấn thì giá nội địa chỉ còn 36.000 đồng/kg, thậm chí tại một số địa phương ở Lâm Đồng như Bảo Lộc, Lâm Hà, giá đã tụt xuống còn 35.900 đồng/kg, giảm khoảng 500 đồng/kg so với đầu tuần trước.
Với vị thế giảm cả tuần, giá cà phê hôm nay tại Tây Nguyên không có biến động so với hôm thứ 6 do thị trường London chưa giao dịch trở lại. Theo đó, giá cà phê nhân xô hiện vẫn ở mức thấp, dao động từ 36.000 - 37.000 đồng/kg. Tuy nhiên theo nhận định từ các chuyên gia, khả năng từ nay tới cuối năm, giá cà phê sẽ khó tăng mạnh trở lại bởi áp lực bán hàng ra từ thương lái, nông dân và cả doanh nghiệp để trang trải công nợ cuối năm.
Áp lực xả hàng, cộng thêm sức ép bán khống theo trào lưu của nhóm đầu tư tài chính nên giá cà phê nhân trong giai đoạn sắp tới sẽ vẫn trong khung giá thấp, khó có thể hồi phục về mức 39 - 40 triệu đồng/tấn như hồi tháng 10. Thậm chí, không ít người lo sợ giá kỳ hạn robusta trên sàn London tụt xuống dưới 1.700 USD/tấn thì giá nội địa sẽ bị đẩy xuống sâu hơn, xuống dưới 36.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay giảm 1.000 đồng/kg
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, sáng nay giá tiêu tại thị trường Việt Nam điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg ở một số địa phương, đưa giá giao dịch về phổ biến trong khoảng 76.000 - 77.000 đồng/kg tiêu đầu giá.
Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông không đổi so với hôm 2.12, đạt 77.000 đồng/kg; giá tiêu tại Gia Lai và Đồng Nai giữ nguyên mức 76.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu giảm 1.000 đồng/kg so với hôm thứ 6, về lần lượt 76.000 và 77.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 4.12 điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg do nhu cầu thị trường thấp. Ảnh minh họa
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã tiếp và hội đàm với ông Parvathaneni Harish – Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cùng đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp của Ấn Độ về việc thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai nước.
Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới (hơn 1,3 tỷ người), có nhiều điểm tương đồng và quan hệ hợp tác truyền thống lâu dài và tốt đẹp với Việt Nam, cũng là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu hiện nay của Việt Nam. Theo số liệu của Ấn Độ, năm tài khóa 2016-2017, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 10,13 tỷ USD, trong đó trên 40% mặt hàng liên quan đến nông sản (trên 4 tỷ USD).
Mặc dù vậy, theo Đại sứ Parvathaneni Harish, hai nước vẫn chưa phát huy hết tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Để thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa, hai bên đã giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong thương mại nông sản, đồng thời trao đổi, hình thành nghị định thư về hợp tác trong lĩnh vực nông sản giữa hai nước.
Phía Ấn Độ mong muốn Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu sang Ấn Độ và đề nghị Việt Nam tạo điều kiện để xuất khẩu các mặt hàng nho, lựu, hạt kê sang Việt Nam, đồng thời mong muốn Việt Nam sang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, trồng thanh long để cung cấp cho hơn 1,3 tỷ dân trong nước.
Trong khi đó, Việt Nam mong muốn phía Ấn Độ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, đồng thời xem xét nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, lợn... Việt Nam cũng đề nghị Ấn Độ cải thiện hơn về mức thuế áp với các mặt hàng nông sản của Việt Nam để cân bằng cán cân thương mại nông sản giữa hai bên (hiện Việt Nam đang nhập siêu từ Ấn Độ).